Thời sự

Bé 5 tuổi nuốt nhầm pin cúc: Cẩn thận loét, hoại tử thủng đường tiêu hóa

  • Tác giả : Thúy Nga
Tuy nhiên, các loại pin cúc, pin điện thoại… thường chứa các nguyên tố độc hại như cadimi,… Khi bị han rỉ hoặc thủng, rò rỉ, các chất này có thể đi ra ngoài, gây độc hại.

Các bác sĩ Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng cho biết, bệnh viện vừa nội soi cấp cứu thành công cho bệnh nhi 5 tuổi nuốt phải pin cúc.

Theo đó, ngày 17/4, Bệnh viện tiếp nhận 1 trường hợp bệnh nhi 5 tuổi nuốt nhầm pin cúc.

Khi phát hiện gia đình đã tìm hiểu qua người quen là nhân viên y tế và được giải thích nguy cơ có thể thủng loét đường tiêu hóa, ngay lập tức trẻ được gia đình đưa đến bệnh viện.

Sau khi chụp chiếu phát hiện dị vật, trẻ được chuyển vào khoa Tiêu hóa, ekip nội soi và gây mê được hội chẩn đã có mặt kịp thời tiến hành gắp cấp cứu thành công chiếc pin trong dạ dày bệnh nhân. Với sự đào tạo chuyên sâu, kĩ năng làm việc nhanh chóng chuyên nghiệp, các bác sĩ đã hạn chế được tối đa tổn thương cho bệnh nhân.

Nếu để dị vật pin tồn tại lâu có thể sẽ dẫn đến loét, hoại tử và thủng đường tiêu hóa của trẻ. Sau nội soi gắp dị vật, trẻ tỉnh táo chơi ngoan, ăn uống sinh hoạt bình thường.

Dị vật được lấy ra khỏi dạ dày bệnh nhi - Ảnh: BVCC
Dị vật được lấy ra khỏi dạ dày bệnh nhi - Ảnh: BVCC

Bác sĩ Nguyễn Minh Khôi, Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, tình trạng trẻ nuốt dị vật đường tiêu hóa khá thường gặp, dị vật sau nuốt phần lớn đều đi qua họng vào ống tiêu hóa, sau đó được đào thải tự nhiên theo phân và không gây ra vấn đề gì cho trẻ.

Tuy nhiên, các loại pin cúc, pin điện thoại… thường chứa các nguyên tố độc hại như cadimi,… Khi bị han rỉ hoặc thủng, rò rỉ, các chất này có thể đi ra ngoài, gây độc hại. Tính gây bỏng, độc niêm mạc đường tiêu hóa khi pin rò rỉ là cực kỳ cao, khó phục hồi về hình thái và chức năng cơ quan nếu đã tổn thương.

Do đó, để phòng tránh những tai nạn đáng tiếc cho trẻ, các bậc phụ huynh cần lưu ý:

- Khi trông giữ trẻ, không làm việc khác mà phải thường xuyên giám sát, giữ trẻ trong tầm mắt.

- Các đồ vật nhỏ như đồng xu, pin, kim, tăm… hay những hóa chất có thể gây nguy hiểm cho trẻ như dầu hỏa, xăng, nước giặt, kể cả nước sôi… phải để xa tầm tay của trẻ.

- Kiểm tra đồ chơi của trẻ thường xuyên để đảm bảo các khe cắm pin đã khóa trong và an toàn.

- Khi phát hiện trẻ nuốt dị vật hay có các biểu hiện bất thường như nôn, nuốt đau, nuốt khó, đau bụng…, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa để được theo dõi và điều trị kịp thời.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP