Qua trao đổi với bác sĩ, bà ngoại cho biết, bé khi bị Covid-19, vẫn khỏe. Tình trạng ói xảy ra trước khi bị nhiễm bệnh, nhưng bà không chú ý. Sau đợt Covid-19, bé càng nôn ói nhiều hơn, nên bà nghĩ là do hậu Covid-19.
Nào ngờ, sau đó bé bị đau đầu, đi té hoài, khám bác sĩ ở tuyến dưới nghi bệnh não, cho chụp hình thấy u nên đã chuyển viện lên Bệnh viện Nhi đồng 2.
Phòng cấp cứu của Bệnh viện Nhi đồng 2 tuyến cuối thường tấp nập, nay càng đông do nhiều ca nhiễm Covid-19 ở trẻ em, nhưng lời nói của bà cụ làm tôi phải giật mình.
Bao nhiêu ca bệnh bị trì hoãn điều trị vì dịch Covid-19 vì phải giãn cách xã hội, nay hết giãn cách, bao nhiêu ca bệnh lại đang bị nhầm lẫn, bị quy chụp là do hậu Covid-19 đây?
Theo các báo cáo khoa học nước ngoài cũng như ở Việt Nam, và ngay cả trong quá trình theo dõi bệnh nhi tại khoa Covid-19, rồi phòng khám của bệnh viện, chúng tôi không gặp nhiều ca hậu Covid-19 ở trẻ em.
Bé gái được ekip trực cấp cứu khẩn trương kiểm tra và xác định bị não úng thuỷ thể tắc nghẽn do khối u chèn ép (dịch trong não bị tắc, không lưu thông được).
Bệnh nhi đã được phẫu thuật đặt ống dẫn lưu để giải phóng chèn ép và tiếp tục làm các xét nghiệm khác để khảo sát khối u trước khi bước vào một hành trình chông gai phía trước khi nhiều khả năng đó là khối u ác tính.
Chẩn đoán đúng bệnh, điều trị sớm và đúng phương pháp là cách để đạt hiệu quả điều trị cao nhất. Nhưng thực tế, nhiều bệnh nhi đến khám khi bệnh ở giai đoạn trễ và việc điều trị trở nên phức tạp hơn rất nhiều.
Hãy tỉnh táo và cẩn trọng khi con bạn có bất kỳ vấn đề sức khoẻ nào đó. Hãy đưa con tới các trung tâm y khoa để được hỗ trợ, tránh nghe những thông tin chưa được kiểm chứng về mặt khoa học. Nhất là khi dịch Covid-19 làm chúng ta bị hoang mang từ lúc nhiễm cho tới giai đoạn hậu Covid-19.
BS Lê Quang Mỹ (Khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 2)