Thời sự

Bé 2 tuổi mổ trật khớp háng bẩm sinh: Dị tật nguy hiểm ít người biết

  • Tác giả : Thúy Nga
Trật khớp háng bẩm sinh là một bệnh lý nguy hiểm song lại khó phát hiện sớm khi trẻ mới chào đời. Nếu được phát hiện sớm trước 6 tháng tuổi điều trị đơn giản, nhưng đa phần trẻ biết đi mới được phát hiện nên gây nhiều di chứng.

Bệnh lý nguy hiểm nhưng khó phát hiện sớm

Trật khớp háng bẩm sinh được coi là hiếm gặp với tỉ lệ mắc khoảng 1/800 – 3000 trẻ, thường gặp ở trẻ nữ nhiều hơn trẻ nam.

Mới đây, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với các chuyên gia bệnh viện Nhi trung ương phẫu thuật thành công cho 1 bé gái 2 tuổi mắc bệnh lý này.

Bé N.G.H (2 tuổi, trú tại Lâm Thao, Phú Thọ) bị trật khớp háng bẩm sinh nhưng gia đình không phát hiện ra bất thường bởi bé vẫn ăn tốt, chơi ngoan và phát triển đúng lứa tuổi. Chỉ đến khi bé bước vào giai đoạn tập đi, bố mẹ bé thấy con bước đi tập tễnh và hay té ngã mới đưa bé đến khám ở một số cơ sở y tế gần nhà. Tuy nhiên, qua các lần khám này, gia đình chỉ nhận được lời khuyên nên theo dõi bé thêm.

Khi được 2 tuổi, bé vẫn đi tập tễnh, dáng đi lệch, đồng thời việc thường xuyên vấp ngã khi di chuyển gây ra nhiều phiền toái trong sinh hoạt hằng ngày, gia đình đưa bé đến khám tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ.

Tại đây, sau khi thăm khám, các bác sĩ thấy 2 chân của bé dài ngắn khác nhau, chân trái ngắn hơn chân phải, gối bên trái cũng thấp hơn gối bên phải. Hình ảnh trên phim chụp X-quang cho thấy chỏm xương đùi trái trật ra khỏi ổ cối. Bệnh nhi được chẩn đoán xác định trật khớp háng trái bẩm sinh.

Sau khi hội chẩn với các chuyên gia đầu ngành tuyến trung ương, bệnh nhi được chỉ định phẫu thuật để chỉnh sửa và tạo hình lại khớp háng trái. Ca phẫu thuật được thực hiện trực tiếp bởi TS.BS Hoàng Hải Đức – Trưởng khoa Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi trung ương và các bác sĩ khoa Ngoại nhi tổng hợp tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ.

TS.BS Hoàng Hải Đức – Trưởng khoa Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi trung ương (thứ 2 từ phải qua) trực tiếp thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhi

TS.BS Hoàng Hải Đức – Trưởng khoa Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi trung ương (thứ 2 từ phải qua) trực tiếp thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhi

Quá trình phẫu thuật, các bác sĩ tiến hành mở bao khớp, đặt lại khớp háng về vị trí giải phẫu, đồng thời cắt xương chậu, ghép xương đồng loại tạo hình ổ cối và bó bột chậu lưng chân theo tư thế giải phẫu. Ca phẫu thuật tiến hành thuận lợi, thành công, bệnh nhi sau đó được điều trị, chăm sóc tại khoa Ngoại nhi tổng hợp. Các bác sĩ cho biết sau khi xuất viện, trẻ tiếp tục được bó bột trong khoảng thời gian 3 tháng và sau đó tập phục hồi chức năng, phục hồi giải phẫu khớp háng.

Phát hiện bệnh sớm đóng vai trò rất quan trọng

Các nghiên cứu chỉ ra rằng nếu được phát hiện và can thiệp kịp thời trong độ tuổi sơ sinh đến 6 tháng tuổi thì việc điều trị trật khớp háng bẩm sinh sẽ đơn giản, tỷ lệ thành công có thể đạt tới 95% bằng phương pháp bảo tồn. Tuy nhiên, đa số các gia đình thường chỉ đưa con đi khám sau khi bé biết đi, thấy con đi tập tễnh, một chân yếu hẳn so với chân kia. Do đó, sự quan sát, chú ý của phụ huynh trong quá trình chăm sóc trẻ có ý nghĩa quyết định đến việc phát hiện con bị bệnh sớm hay muộn.

Trong trường hợp phát hiện bệnh muộn, việc điều trị sẽ rất phức tạp, thậm chí để lại nhiều di chứng như: Tái trật khớp, hoại tử chỏm xương đùi, loạn sản phát triển ổ cối và chỏm xương đùi gây mất cân xứng chiều dài của chi, teo cơ cứng khớp, hạn chế vận động.

Các bác sĩ khuyến cáo, các gia đình khi thấy trẻ có các dấu hiệu như: 2 chân trẻ dài ngắn khác nhau; Nếp lằn mông, đùi 2 bên cao thấp khác nhau; Bàn chân trẻ đổ ra ngoài khi trẻ nằm duỗi chân; Trẻ hạn chế việc dạng khớp háng; Khi trẻ lớn bị lệch vai một bên, chân đi tập tễnh; … thì cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh để bệnh gây ra những di chứng đáng tiếc.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP