Trong nước

Bé 12 tuổi sốc phản vệ sau ăn cù kỳ

  • Tác giả : Thúy Nga
Dị ứng hải sản nặng có thể gây ra suy hô hấp, ngừng thở, ngừng tim và có nguy cơ dẫn đến tử vong nên cần nhận biết sớm để cấp cứu kịp thời.

Dị ứng toàn thân, sốc phản vệ

Bệnh nhi 12 tuổi trú tại Kinh Môn (Hải Dương) nhập viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí vì nổi ban dị ứng toàn thân sau khi ăn con cù kỳ.

Gia đình cho biết, tối ngày 29/7, trẻ có ăn con cù kỳ. Đến khoảng 4h ngày 30/7 trẻ thấy ngứa khắp người và ban đỏ toàn thân. Gia đình cho trẻ uống thuốc dị ứng nhưng không đỡ mà ban nổi ngày càng nhiều và sẩn ngứa nhiều hơn. Sau đó gia đình mới đưa trẻ vào viện. Được biết trước đó trẻ chưa có tiền sử dị ứng.

Bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhi - Ảnh BVCC

Bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhi - Ảnh BVCC

Trẻ vào khoa Nhi trong tình trạng sốt nhẹ, ban sẩn đỏ toàn thân, ngứa nhiều. Các bác sĩ đã khám, chẩn đoán phản vệ độ I và xử trí theo phác đồ. Sau điều trị tình trạng của trẻ dần ổn định, đang được theo dõi và điều trị tại khoa Nhi.

Bác sĩ cho biết, dị ứng hải sản là tình trạng hệ thống miễn dịch phản ứng bất thường với protein trong một số loại hải sản. Trong trường hợp dị ứng nhẹ, trẻ cảm thấy ngứa, triệu chứng tự biến mất sau vài giờ mà không cần điều trị.

Tuy nhiên, dị ứng hải sản nặng có thể gây ra suy hô hấp, ngừng thở, ngừng tim và có nguy cơ dẫn đến tử vong. Những triệu chứng này rất nguy hiểm đến tính mạng cần phải được cấp cứu kịp thời. Các triệu chứng thường diễn biến trong vòng vài phút đến vài giờ sau khi ăn.

Sau khi tiếp xúc với dị nguyên hay đồ ăn lạ, nếu trẻ xuất hiện các biểu hiện như nổi mẩn ngứa, phát ban, sưng môi, sưng mặt, khó thở, tức ngực, thở nhanh, tím tái, đau bụng, buồn nôn, chóng mặt… cần nhanh chóng đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời tránh các diễn biến nặng hơn của bệnh.

Ban đỏ của bệnh nhi khi vào viện - Ảnh BVCC

Ban đỏ của bệnh nhi khi vào viện - Ảnh BVCC

Nhận biết, sơ cứu ngộ độc thực phẩm

TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tình trạng ngộ độc thực phẩm xảy ra sau khi ăn, uống phải thực phẩm nhiễm khuẩn, nhiễm độc hoặc có chứa chất gây độc, thức ăn bị ôi thiu… Thông thường ngộ độc cấp tính sẽ xuất hiện sau vài phút, vài giờ hoặc 1 - 2 ngày sau khi ăn.

Ngộ độc thực phẩm nặng thì có thể dẫn tới tử vong, nhẹ cũng gây mệt mỏi cả về thể chất và tinh thần cho người bệnh. Vì vậy, tự bảo vệ mình là biện pháp thiết thực đầu tiên cần nghĩ tới, trong đó việc trang bị một số kiến thức về các bước sơ cứu khi bị ngộ độc thực phẩm là việc làm cần thiết.

Thực phẩm gây ngộ độc

- Thực phẩm là tất cả các đồ ăn, thức uống ở dạng tươi sống hoặc đã qua sơ chế, chế biến.

- Ngộ độc thực phẩm (NĐTP) do: (1) thực phẩm bị nhiễm vi sinh vật (vi khuẩn, virus) hoặc độc tố của vi sinh vật (độc tố vi khuẩn), hoặc (2) thực phẩm bị nhiễm hoá chất, hoặc (3) bản thân thực phẩm có độc (chất độc có tự nhiên trong thực phẩm là thực vật, động vật).

Biểu hiện chung: Bạn nghĩ tới NĐTP nếu:

- Bệnh liên quan nhiều tới việc ăn uống: người bệnh mới ăn xong và bị bệnh.

- Có hai người trở lên có biểu hiện bệnh tương tự nhau sau khi cùng cùng ăn một loại thực phẩm, người không ăn thì không bị bệnh.

- Các triệu chứng gợi ý: đau bụng, nôn, ỉa chảy.

- Thực phẩm có biểu hiện nghi ngờ.

- Biểu hiện cụ thể: Tuỳ thuộc vào từng nguyên nhân gây nên:

- Người bệnh chỉ có biểu hiện bệnh ở đường tiêu hoá (đau bụng, nôn, ỉa chảy) có thể có các biểu hiện của mất nước (thường có khát nước), nhiễm trùng (thường có sốt): → nguyên nhân thường do vi sinh vật.

- Các biểu hiện bệnh phức tạp, không chỉ ở đường tiêu hoá mà ở các cơ quan khác ví dụ thần kinh, tim mạch,…, thực phẩm được biết là loại không có chất độc tự nhiên: → nguyên nhân thường do hoá chất.

- Bệnh xuất hiện sau khi ăn loại thực phẩm nhất định trong tự nhiên được biết có thể có độc tố: ví dụ sắn, măng, cá nóc, cóc,…: → do chính các loại thực phẩm này vốn có độc tố.

NĐTP rất nguy hiểm nếu bệnh nhân có các dấu hiệu sau:

- Các biểu hiện bệnh nặng ở đường tiêu hoá hoặc mất nước, nhiễm trùng, hoặc xuất hiện thêm các biểu hiện:

- Các triệu chứng thần kinh: đặc biệt nhìn mờ, nhìn đôi, nói khó, nói ngọng, tê, liệt cơ, co giật, đau đầu.

- Tụt huyết áp, loạn nhịp tim, khó thở.

- Có máu hoặc chất nhày trong phân, đái ít, đau ở các vị trí khác ngoài bụng (như ngực, cổ, hàm), đau họng.

-Sức đề kháng của cơ thể kém: Trẻ dưới 2 tuổi, người cao tuổi, đang dùng các thuốc gây giảm miễn dịch (thường dùng trong bệnh khớp, ung thư, dị ứng), suy dinh dưỡng, bệnh dạ dày tá tràng, bệnh gan, rối loạn sắc tố.

Sơ cấp cứu:

- Lưu ý tới các biểu hiện bệnh nặng và sơ cấp cứu tuỳ theo từng tình trạng: ví dụ bất tỉnh, thở yếu, ngừng thở, khó thở, co giật (xin xem phần sơ cấp cứu chung).

- Có thể uống nước gây nôn nếu: người bệnh từ 2 tuổi trở lên, còn tỉnh táo, mới ăn trong vòng 1 vài giờ và chưa nôn.

- Gọi điện tới trung tâm chống độc (Trung tâm chống độc bệnh viện Bạch mai) để được tư vấn.

- Gọi cấp cứu hoặc nhân viên y tế gần nhất hoặc người hỗ trợ nếu bệnh nặng, đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.

Các động tác khác nên làm:

+ Giữ lại thực phẩm nghi ngờ, bao gồm cả nhãn mác, thậm chí chất nôn của người bệnh để giúp cho việc xác định nguyên nhân gây NĐTP.

+ Khi thấy có nhiều người cùng bị NĐTP: thông báo cho cơ sở y tế gần nhất, cơ quan y tế dự phòng hoặc chính quyền địa phương để các cơ sở y tế có thể kịp thời chuẩn bị đủ nhân lực đối phó trong trường hợp NĐTP xảy ra hàng loạt, các cơ quan chức năng có thể ngăn chặn kịp thời NĐTP tiếp diễn.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP