GIỚI TÍNH

Bé 11 tuổi phải cắt bỏ tinh hoàn do xoắn

  • Tác giả : Thúy Nga
Hoại tử tinh hoàn hoặc teo tinh lên đến 68% nên cha mẹ cần chú ý phát hiện sớm, để qua 12 giờ trẻ có thể phải cắt bỏ mất tinh hoàn.

thể bị từ khi sơ sinh

Khoa Ngoại Tổng hợp bệnh viện Sản Nhi Nghệ An vừa tiếp nhận và phẫu thuật cấp cứu 1 trường hợp bệnh nhi bị xoắn 2 vòng, dẫn đến hoại tử tinh hoàn.

Theo đó, ngày 20/3/2023, cháu N.V.V. (11 tuổi, Nghệ An) vào viện trong tình trạng sưng đau bìu bên trái trước đó khoảng 1 tuần. Qua thăm khám cũng như làm siêu âm doppler, cháu được chuẩn đoán xoắn tinh hoàn và chỉ định mổ cấp cứu.

Quá trình phẫu thuật, các bác sỹ kiểm tra thấy tinh hoàn của trẻ bị xoắn 2 vòng, đã bị hoại tử do xoắn không còn khả năng phục hồi, bác sĩ phải cắt bỏ tinh hoàn bên trái và cố định tinh hoàn còn lại bên phải để dự phòng xoắn.

Đây là một trong khoảng 10 bệnh nhi xoắn tinh hoàn mà khoa gặp trong thời gian gần đây.

Các bác sĩ bệnh viện sản nhi Nghệ An cho biết, xoắn tinh hoàn là một cấp cứu ngoại khoa trẻ em, tuy ít gặp hơn các bệnh lý khác nhưng cần được chẩn đoán và điều trị sớm để tránh những biến chứng đáng tiếc như hoại tử tinh hoàn hoặc teo tinh hoàn với tỷ lệ lên đến 68%.

Bệnh lý có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường ở trẻ sơ sinh với tỉ lệ khoảng 12 –17% và ở trẻ từ 12 – 14 tuổi.

Tinh hoàn có thể xoắn từ 270 độ - 720 độ. Tổn thương phụ thuộc vào mức độ xoắn và thời gian xoắn. Quá 12 giờ có ít tinh hoàn nào giữ được. Tuy nhiên xoắn nhẹ 270 – 360 độ cũng có tinh hoàn sống 24 – 48 giờ được mổ tháo xoắn nhưng vẫn có nguy cơ thiếu máu nuôi dưỡng dẫn đến kém phát triển và teo tinh hoàn.

Tinh hoàn hoại tử tím đen phải cắt bỏ

Tinh hoàn hoại tử tím đen phải cắt bỏ

Cần được điều trị trước 6 giờ

Theo các bác sĩ bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, xoắn tinh hoàn là một bệnh lý cấp cứu ngoại khoa có thể để lại những hậu quả đáng tiếc cho các trẻ trai . Vì vậy, các bậc cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần theo dõi sát trẻ , khi có những biểu hiện nghi ngờ của bệnh xoắn tinh hoàn, gia đình cần nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được các bác sỹ thăm khám và chẩn đoán, xử trí kịp thời.

Dấu hiệu để nhận biết sớm các triệu chứng của xoắn tinh hoàn gồm:

Đau đột ngột dữ dội tăng dần vùng bẹn, bìu ở thời gian đầu nhưng sau đó đau đỡ hơn làm trẻ ít quan tâm để báo cho gia đình. Với trẻ sơ sinh thì có biểu hiện quấy khóc nhiều, mẹ kiểm tra thấy bìu con sưng nề, màu da đỏ …

Bìu và ống bẹn sưng to, nề, đau, da bìu đỏ giống như viêm nhiễm.

Tinh hoàn bị xoắn kéo lên cao lên và có xu hướng nằm ngang. Sau xoắn khoảng vài giờ, một số trẻ có sốt, nôn.

Siêu âm là xét nghiệm có giá trị để chẩn đoán. Hình ảnh có thể thấy là tinh hoàn nằm cao, trục ngang, phù nề tăng âm …, không có hình ảnh tưới máu nuôi dưỡng tinh hoàn trên doppler màu.

Ngoài ra, siêu âm có thể hỗ trợ thêm thông tin để bác sĩ điều trị chẩn đoán phân biệt với tràn dịch màng tinh hoàn hoặc viêm tinh hoàn.

Chỉ định phẫu thuật phải đưa ra khi có chẩn đoán xoắn tinh hoàn hoặc nghi ngờ xoắn tinh hoàn, nhất là các trường hợp đến trước 06h.

Trong phẫu thuật, bác sĩ sẽ đánh giá: loại xoắn tinh hoàn (trong bao hay ngoài bao), tình trạng, màu sắc tinh hoàn xoắn. Sau đó, cần cẩn thận tháo xoắn tinh hoàn, đắp gạc ấm, phong bế novocaine để đánh giá mức độ hồi phục tưới máu tinh hoàn.

Bác sĩ luôn ưu tiên phương án bảo tồn tinh hoàn khi có thể, kể cả những trường hợp tình trạng phục hồi tưới máu rất chậm thì sẽ đánh giá lại sau đó qua siêu âm hay mở đánh giá trực tiếp.

Trong trường hợp tinh hoàn không thể phục hồi ( thường xoắn trên 12h) thì phải cắt bỏ và cố định tinh hoàn bên đối diện để tránh nguy cơ xoắn tinh hoàn sau này.

Sau phẫu thuật, trẻ cần tiếp tục theo dõi diễn tiến của tinh hoàn được tháo xoắn và cả tinh hoàn bên đối diện. Thông thường một tinh hoàn vẫn có đầy đủ chức năng về nội tiết và sinh sản như bình thường.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP