KINH TẾ

Bất thường trái phiếu ngân hàng?

  • Tác giả : Hữu Thông
Chỉ trong vòng hơn 1 tháng gần đây, nhiều ngân hàng công bố phát hành thành công hàng ngàn tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ. Dù lãi suất thấp hơn nhiều so với trái phiếu doanh nghiệp, nhưng bộ trái phiếu riêng lẻ của ngân hàng vẫn “hút hàng”.

Rầm rộ phát hành trái phiếu

Theo kế hoạch phát hành trái phiếu đợt 11 năm 2021 của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), dự kiến trong tháng 8 và 9/2021, ngân hàng này sẽ phát hành riêng lẻ 180 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không có tài sản, với lãi suất thả nổi.

Trước đó, HĐQT của VietinBank cũng đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ đợt 9, 10 năm 2021 cũng vào tháng 8 và 9/2021, với giá trị 100 tỷ đồng. Đây cũng là trái phiếu không chuyển đổi, không có tài sản bảo đảm... Đầu tháng 7/2021, VietinBank đã phát hành riêng lẻ 100 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 8 năm cho một công ty chứng khoán và một công ty bảo hiểm trong nước để tăng vốn cấp 2.

Ngân hàng ABBank cũng đã phát hành thành công 500 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ (hôm 16/8), với lãi suất cố định 3,5%/năm, kỳ hạn 2 năm, chủ yếu nhằm bổ sung vốn trung, dài hạn, đáp ứng nhu cầu vay của khách hàng. ABBank cho biết, một nhà đầu tư tổ chức trong nước đã mua 100% lượng trái phiếu do ngân hàng này phát hành.

cac-ngan-hang-thuong-mai-da-tang-ban-cheo-trai-phieu-cho-nhau-khi-quy-dinh-duoc-noi-long(1).jpg
Các Ngân hàng thương mại đã tăng bán chéo trái phiếu cho nhau khi quy định được "nới lỏng".

Ngày 16/8, Ngân hàng VIB phát hành thành công 100 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ kỳ hạn 7 năm, lãi suất bằng lãi suất tham chiếu cộng 2%/năm. Trước đó, vào ngày 12/8, ngân hàng này đã phát hành riêng lẻ 150 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 7 năm để tăng vốn cấp 2. Toàn bộ trái phiếu của VIB được một công ty chứng khoán và một quỹ đầu tư chứng khoán mua trọn.

Trước đó, ngày 12/8, BIDV đã phát hành thành công 500 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ kỳ hạn 8 năm với lãi suất áp thả nổi cộng với 0,9%/năm. Toàn bộ số trái phiếu này đã được bán cho một tổ chức tín dụng trong nước. Số vốn thu được sẽ được ngân hàng sử dụng để tăng quy mô vốn hoạt động, đáp ứng nhu cầu vay trung, dài hạn của khách hàng. Lượng trái phiếu phát hành trên cũng thỏa mãn các điều kiện để tính vào vốn cấp 2.

Tháng 7/2021, ACB công bố phát hành thành công 2.500 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ kỳ hạn 3 năm, lãi suất 3,5%/năm. Mục đích của đợt phát hành này là để tăng quy mô vốn hoạt động, đáp ứng nhu cầu tín dụng cũng như tuân thủ các chỉ tiêu an toàn vốn…

Theo số liệu của Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), từ ngày 1 - 20/8, có tổng cộng 25 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong nước, với tổng giá trị phát hành là 7.868 tỷ đồng.

Đáng chú ý, giá trị trái phiếu được phát hành trong tháng 8 vẫn chủ yếu đến từ nhóm ngành ngân hàng, khi chiếm tới 31,8% tổng giá trị phát hành toàn thị trường, đạt 2.500 tỷ đồng. Trong đó, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam có giá trị phát hành lớn nhất với 1.000 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 20/8, ngành ngân hàng vẫn là nhóm có giá trị phát hành lớn nhất thị trường, khi chiếm khoảng hơn 38% tổng giá trị phát hành, giá trị lên tới 107.000 tỷ đồng.

Dòng vốn không đi vào sản xuất

Theo số liệu từ SSI Research, trong 6 tháng đầu năm 2021, 15 ngân hàng thương mại phát hành 68,2 nghìn tỷ đồng trái phiếu với kỳ hạn bình quân 3,37 năm, lãi suất bình quân 4,3%/năm.

Nhà đầu tư mua trái phiếu ngân hàng gồm: Các ngân hàng (17,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 26%); công ty chứng khoán (38,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 56%); tổ chức trong nước (10,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 15%) và cá nhân (2 nghìn tỷ đồng, chiếm 3%).

Các nhà đầu tư cá nhân chỉ mua các trái phiếu tăng vốn cấp 2 có kỳ hạn dài (7 - 15 năm), hầu hết có lãi suất thả nổi, năm đầu dao động từ 6,2 - 7,9%/năm. Các trái phiếu này thường kèm theo quyền mua lại trước hạn của tổ chức phát hành sau 2 - 5 năm (hoặc 10 năm với trái phiếu 15 năm), nếu không thực hiện lãi suất các kỳ cuối sẽ tăng rất cao.

Số liệu thống kê cho thấy, có 56,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 83% tổng trái phiếu ngân hàng phát hành nửa đầu năm 2021 là kỳ hạn 2 - 3 năm có lãi suất cố định từ 3,0 - 4,2%/năm, trả lãi hàng năm - là mức lãi suất thấp hơn hẳn lãi suất tiền gửi ngân hàng kỳ hạn 12 tháng trả sau (5,6 - 6%/năm). Gần như toàn bộ số trái phiếu này được mua bởi các ngân hàng và công ty chứng khoán.

gia-tri-phat-hanh-trai-phieu-doanh-nghiep-theo-nhom-nganh-trong-20-ngay-dau-thang-8-2021..png

Giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo nhóm ngành trong 20 ngày đầu tháng 8-2021.

Câu hỏi đặt ra, tại sao trái phiếu ngân hàng có lãi suất thấp hơn rất nhiều so với trái phiếu doanh nghiệp (3 - 7%/năm, trong khi trái phiếu doanh nghiệp lãi suất thường 10%/năm). Vậy tại sao các ngân hàng vẫn rầm rộ mua chéo trái phiếu lẫn nhau?

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc ngân hàng mua chéo trái phiếu lẫn nhau là do một số ngân hàng đang thừa vốn, khó tăng trưởng cho vay, nên tìm đến các kênh đầu tư khác, trong đó có trái phiếu. Ngoài ra, tăng vốn vẫn là nhu cầu thường trực của các ngân hàng hiện nay, khi vốn chủ sở hữu của các ngân hàng đa phần còn mỏng, tín dụng tăng nhanh hơn nhiều so với tốc độ tăng của vốn chủ sở hữu khiến tỷ lệ an toàn vốn luôn trong tình trạng cần gia cố.

“Từ năm 2020 đến nay, việc áp dụng giãn, hoãn trả nợ theo Thông tư 01 và Thông tư 03 khiến một lượng lớn dòng tiền trả nợ của doanh nghiệp không về ngân hàng (đáng lẽ đến kỳ trả nợ, nhưng doanh nghiệp được ngân hàng giãn nợ). Điều này khiến một phần vốn của ngân hàng bị thiếu hụt và phải tăng phát hành trái phiếu riêng lẻ để bù đắp.

Nhìn vào lượng trái phiếu riêng lẻ ngân hàng phát hành thời gian gần đây, có thể thấy, đa phần ngân hàng phát hành trái phiếu kỳ hạn 2 - 3 năm. Điều này cho thấy, khả năng các ngân hàng đang thiếu hụt nguồn vốn trung, dài hạn tạm thời” - TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết thêm.

Một số chuyên gia nhận định, việc ngân hàng bán chéo trái phiếu cho nhau, bên cạnh nhu cầu thực của một số ngân hàng thừa vốn, thì có sự thỏa thuận ngầm của một số ngân hàng để giúp nhau hạ chi phí vốn, tăng nguồn vốn trung, dài hạn.

Giải pháp này giúp các ngân hàng đảm bảo được tỷ lệ an toàn vốn, song cũng sẽ khiến bức tranh về quy mô vốn trung, dài hạn của một số tổ chức tín dụng trở nên thiếu thực chất. Mặt khác, việc các ngân hàng bán chéo trái phiếu cho nhau cũng khiến vốn chảy lòng vòng trong hệ thống tài chính và đến tay nhà đầu tư cá nhân, không đi vào được sản xuất, kinh doanh.

Hữu Thông

BẢN DESKTOP