Khám phá

Bát thìa từ lúa mạch có an toàn?

Thay vì sử dụng bát nhựa, thìa nhựa, một số bà mẹ bỉm sữa truyền tai nhau thông tin về loại bát làm từ lúa mạch. Theo giới thiệu thì vật liệu này an toàn cho sức khỏe, có thể sử dụng cả ở lò vi sóng và trong tủ lạnh mà không gây hại cho sức khỏe. Thực hư thông tin này thế nào?

Bát thìa được quảng cáo an toàn tuyệt đối cho trẻ nhỏ.

Nguyên liệu lúa mạch trộn nhựa

“Trên thực tế, hầu hết các bát ăn dặm thông thường được làm từ nhựa. Nên không chịu được nhiệt độ cao hoặc khi ở nhiệt độ cao sẽ làm cho thành phần của bát biến đổi sản sinh ra chất hóa học ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của bé. Bộ bát thìa làm từ chất liệu lúa mạch đã tạo nên cơn sốt cho tất cả các cha mẹ săn lùng bát ăn dặm đảm bảo an toàn cho bé.

Ưu điểm và cũng là điểm đặc trưng nhất của bộ bát thìa là được làm từ lúa mạch, vì vậy trên sản phẩm có lấm tấm màu nâu. Nguyên liệu chính của bát làm từ thân cây lúa mạch kết hợp với nhựa PP an toàn tuyệt đối cho bé. Có khả năng chịu được nhiệt độ cao (lên tới 120 độ C).

Không sản sinh ra thành phần hóa học khi đựng thức ăn nóng hoặc khi tráng nước sôi. Dùng được trong tủ đông, trong lò vi sóng. Không chứa BPA (một chất gây ung thư) Giá của những chiếc bát này dao động khoảng 50.000 – 60.000đ có thể dùng lâu dài và đặc biệt an toàn cho bé”.

Thông tin về loại bát, thìa lúa mạch được quảng cáo như vậy. Bản chất của loại vật liệu này là gì, có thực sự an toàn cho sức khỏe? PGS.TS Trần Hồng Côn, khoa Hóa, ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội cho biết, nhựa PP chính là nhựa polypropylen, được dùng để làm chai nước khoáng.

Loại nhựa này được phép sử dụng cho thực phẩm. Cần phải hiểu là vật liệu ấy chỉ được phép sử dụng trong thực phẩm thôi chứ không phải là an toàn tuyệt đối cho sức khỏe người sử dụng. Vật liệu “độn” vào là thân cây lúa mạch, cũng giống như bột gỗ thôi, không ảnh hưởng gì đến sức khỏe, tuy vậy mức độ an toàn đến đâu thì phải xem lại.

“Về bản chất thì tên gọi “bát thìa lúa mạch” được đặt cho sang thôi, chứ vật liệu thân cây lúa mạch cũng giống như mùn cưa thôi. Người ta vẫn trộn nó với nhựa PP để tạo ra cái bát nhựa fip mà chúng ta vẫn quen sử dụng”, PGS.TS Trần Hồng Côn cho biết.

Không có vật liệu tuyệt đối an toàn

“Không có loại vật liệu nào được coi là an toàn tuyệt đối cho sức khỏe cả, đó chỉ là quảng cáo thổi phồng lên thôi. Vật liệu này sử dụng trong tủ lạnh thì được, chứ trong lò vi sóng thì phải xem lại. Lò vi sóng có nhiệt độ rất cao, có thể lên đến hơn 200 độ C, sẽ làm nhựa PP bị chảy.

Độ nóng chảy này nhanh hay chậm phụ thuộc vào hàm lượng “độn” là thân lúa mạch hay mùn cưa. Đối với nhựa thì nhiệt độ an toàn là dưới 100 độ C. Vượt quá mức này, nhựa PP sẽ bị cắt mạch, giải phóng ra monome, đây là một hợp chất cực độc với sức khỏe.

Dù là hàm lượng trộn lẫn là gỗ hay thân cây lúa mạch thì ở nhiệt độ cao cũng rất có hại cho sức khỏe vì monome bị giải phóng. Không nên tin vào quảng cáo để làm hại sức khỏe của trẻ nhỏ”, PGS.TS Trần Hồng Côn cho biết.

Trường hợp chỉ sử dụng loại thì bát này đựng thức ăn nguội, hâm nóng ở nhiệt độ thấp thì không sao, nhưng sẽ là vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe nếu nhiệt độ vượt quá 100 độ C.

Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, nên tỉnh táo trước những lời quảng cáo có cánh, kiểu như đưa ra những thuật ngữ rất lạ, rất mới, tưởng chừng như rất khoa học, rất tự nhiên, nhưng thực ra lại là chiêu thức đánh lừa người tiêu dùng kém hiểu biết.

Loại vật liệu tự nhiên, thân thiện với môi trường thì tốt, nhưng tốt như thế nào, trong điều kiện nào thì không tốt, người tiêu dùng cần phải nắm rõ.

Với đồ dùng cho trẻ nhỏ, nên sử dụng các vật liệu có chỉ số an toàn cao, hạn chế sử dụng trong môi trường quá nóng, nhiệt độ quá cao. Nếu là đồ dùng bằng nhựa thì phải nắm rõ thành phần nhựa, không nên mù tịt rồi nghe theo quảng cáo.

“Khi cần hâm nóng thức ăn của trẻ, nên cho vào bát đĩa sứ thông thường, sau đó khi thức ăn đã nguội bớt mới cho sang bát đĩa nhựa của trẻ để nhựa không phôi nhiễm vào thức ăn”, PGS.TS Trần Hồng Côn.

.Bảo Khánh

BẢN DESKTOP