Thượng vàng hạ cám
Chị Nguyễn Thị Băng Tâm (ngụ quận 8, TP HCM) kể, tháng trước, chị mua 1 chai mật ong trị giá 1 triệu đồng trên mạng. Tuy nhiên, khi bảo quản sử dụng được vài ngày, mật ong bỗng nhiên mất mùi, ăn ngọt như đường và sủi bọt. Thấy bất thường, chị đành đổ bỏ không dám sử dụng tiếp.
“Khi phản ánh lại với người bán, họ đổ lỗi cho tôi bảo quản không đúng cách nên không chịu trách nhiệm”, chị Tâm chia sẻ.
Anh Trần Quang Nhân (ngụ quận Tân Bình, TP HCM) cũng cho hay, anh ít sử dụng mật ong nên không rõ cách lựa chọn sản phẩm này. Hôm trước, do mẹ nhờ, anh mới mua của một người bán hàng online. Họ giới thiệu mật ong càng sủi nhiều bọt, càng chất lượng cao, giá cũng chênh lệch hơn so với các loại mật ong nuôi.
“Tôi mua 1 chai, người nhà nói đã bị lừa. Mật ong mà sủi bọt nhiều là kém chất lượng. Sợ quá, tôi phải mang bỏ đi, mất gần 800.000 đồng”, anh Nhân nói.
Mật ong được rao bán trên mạng. |
Gõ hashtag “mật ong” trên Facebook, kết quả có khá nhiều trang bán sản phẩm này. Vào một trang cá nhân của người bán mật ong online, người này giới thiệu sản phẩm xuất xứ ở rừng tràm U Minh, mật ong ruồi được lấy ở Cà Mau, giá dao động 500.000 - 800.000 đồng/lít. Nếu muốn mua cả tổ ong ruồi, giá 650.000/kg, còn vắt sẵn 800.000/lít. Ong mật rừng tràm U Minh vắt thành phẩm, giá 550.000 đồng/lít...
Để khẳng định chất lượng, người bán bảo “mang về bỏ một ít ở ngăn đông tủ lạnh, mật thật không bị đông đá, ngược lại là mật pha”.
Ngoài ra, nhiều trang Facebook khác đăng thông tin khẳng định bán mật ong rừng nguyên chất, giá 220.000 đồng/lít, 430.000 đồng/2 lít và 600.000 đồng/3 lít…, số lượng “lấy bao nhiêu cũng có”.
Chọn mật ong thương hiệu, đạt chuẩn xuất khẩu
Ông Hồ Duy Thái, chủ tiệm thuốc đông y trên đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5, TP HCM) cho hay, mật ong là một loại dược liệu, ông thường xuyên mua sản phẩm này. Thị trường trong nước hiện nay rất “loạn”, nhất là trên các kênh mạng xã hội. Người tiêu dùng rất khó phân biệt được chất lượng mật ong nên dễ bị lừa.
Mật ong thật hay giả người tiêu dùng khó có thể phân biệt. Ảnh: Minh họa |
Thậm chí, có trường hợp nhiều người lấy mật ong của hộ nuôi với số lượng lớn (giá 100.000 - 150.000 đồng/lít), sau đó rao trên mạng hoặc bày bán ở một số chợ với giá 500.000 - 700.000 đồng/lít. Họ giới thiệu với người mua là mật ong lấy từ rừng, gắn thêm một ít lá tràm, sáp ong để khách tin.
Nguyên liệu chính để làm mật ong giả là đường, nước lọc, phèn hoặc chanh tươi. Sau chế biến, mật ong giả được đổ vào chai, cho thêm ít sáp ong, vài giọt mật ong thật lên phía trên để có mùi thơm. Hàng giả được phân phối đến nhiều nơi với các mức giá khác nhau.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Mật ong rừng Forny, quảng cáo mật ong rừng nguyên chất có giá rẻ 220.000 đồng/lít rất khó tin. Thực tế, mật ong rừng hiếm nên không có chuyện rao bán hàng loạt kiểu “muốn bao nhiêu cũng có”.
Đó là chưa nói mật ong rừng thật thường được lấy theo phương pháp thủ công, không kiểm soát được việc thụ phấn như thế nào, hoặc vào mùa mưa, mật lấy tự nhiên bên ngoài rất dễ lẫn nước, khiến nhanh biến chất, mất tác dụng. Về chất lượng, mật ong nuôi hay mật ong rừng không khác nhau.
“Mật ong Việt Nam hiện nay xuất khẩu đứng thứ năm thế giới về sản lượng, trong đó 90% được xuất qua thị trường Mỹ. Họ đóng gói lại rồi xuất về Việt Nam bán giá cao gấp chục lần. Thế nên, chọn mật ong có thương hiệu tốt, đạt chuẩn xuất khẩu, tốt hơn là tin vào mật ong trôi nổi không rõ nguồn gốc, vừa mất tiền vừa không có đúng sản phẩm chất lượng”, bà Thủy khuyên.