Bất chấp bị cấm nhập và buôn bán tại Việt Nam, nhiều người vẫn vô tư rao bán tôm hùm đất |
Dù bị cấm nhập khẩu, nuôi và kinh doanh ở Việt Nam từ lâu, nhưng chỉ cần gõ từ khóa “order crawfish” hoặc “tôm hùm đất” trên các trang tìm kiếm sẽ hiển thị hàng loạt bài đăng rao bán loại tôm này hiện lên, từ tươi sống đến đông lạnh. Đồng thời, giá bán cũng không hề rẻ.
Nhộn nhịp mua bán tôm hùm đất trên mạng
Trong vai chủ một quán ăn muốn nhập tôm hùm đất về chế biến các món ăn phục vụ thực khách, PV Khoa học và Đời sống liên hệ với một người chuyên đăng bán hải sản trên Facebook tên “Minh Triết”, hỏi giá các loại tôm hùm đất.
Người này cho biết, tôm hùm đất nhập từ Trung Quốc “bao ăn từng con”, cỡ 30 - 40 con/kg có giá 500.000 đồng/kg. Nếu mua từ 5kg trở lên, giá là 460.000 đồng/kg. Song, do là hàng sống nên rất ít khi có sẵn, đa phần khách mua phải đặt trước.
Người này còn cho biết, riêng mặt hàng tôm hùm đất đã xông nhiệt cho chín và cấp đông thì luôn có sẵn, giá bán sỉ là 350.000 đồng/kg.
Một Facebook khác có tên “Tôm hùm đất” cũng cho biết, tôm hùm đất được nhập về từ Trung Quốc. Hiện, người này có loại tôm xông nhiệt và tôm sống. Với loại xông nhiệt, có giá sỉ 320.000 đồng/kg, hàng lúc nào cũng có sẵn. Riêng loại tươi sống 2-3 ngày sẽ về một chuyến, giá bán 520.000 đồng/kg.
Không chỉ rao bán tôm hùm đất tươi sống và xông nhiệt, tôm hùm đất chế biến sẵn cũng được rao bán tràn lan |
Bên cạnh tôm hùm đất tươi sống hoặc xông nhiệt, mặt hàng tôm hùm đất đã chế biến sẵn cũng được rao bán trên mạng. Giá cả của món ăn này cũng dao động chênh lệch khá nhiều, dễ gây hoang mang. Theo đó, giá các hộp tôm được chế sẵn dưới dạng sốt cay, sốt bơ tỏi... được rao bán từ 99.000 – 250.000 đồng/hộp 750gr, tùy theo kích cỡ tôm và chất lượng.
Dù đắt hàng là vậy, tuy nhiên theo những người từng ăn loại tôm này cho biết không hề ngon như quảng cáo. Chị Hồng Thắm (quận Gò Vấp, TP HCM) từng mua về ăn thử vì tò mò và hoàn toàn thất vọng về chất lượng khi thấy sản phẩm không ngon như những gì mà người bán quảng cáo.
“Thấy quảng cáo, chụp ảnh nên mình tưởng ngon nhưng khi mua về ăn thử thì thấy vỏ loại tôm rất cứng, thịt tôm cũng ít hơn tôm thông thường”, chị Thắm cho hay.
Anh Quốc Tuấn, ở quận Phú Nhuận, TP HCM cũng chia sẻ: “Mình có biết về loại tôm này, cũng định mua về ăn thử nhưng lại thôi vì thấy đây là loại bị cấm kinh doanh và tiêu thụ ở Việt Nam. Theo mình, hải sản Việt Nam rất ngon và rẻ nên cũng không cần thiết phải ăn những loại bị cấm như vậy”.
Tôm hùm đất là hàng cấm tại Việt Nam
Theo ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tôm hùm đất là loài ngoại lai không có trong danh mục được phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam.
Để được nhập khẩu tôm hùm đất sống, người nhập khẩu phải được Tổng cục Thủy sản cấp phép nhập khẩu theo quy định. Đến thời điểm này, Cục Thú y chưa hướng dẫn bất kỳ tổ chức, cá nhân nào kiểm dịch nhập khẩu tôm hùm đất sống.
Đối với tôm hùm đất đông lạnh, theo quy định sản phẩm thủy sản đông lạnh nhập khẩu vào Việt Nam làm thực phẩm phải bảo đảm điều kiện có nguồn gốc từ các cơ sở có trong Danh mục cơ sở sản xuất được phép xuất khẩu thực phẩm có nguồn gốc thủy sản vào Việt Nam theo quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ; đồng thời phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu cấp cho lô hàng.
Hiện nay, Cục Thú y không nhận được đề nghị kiểm dịch nhập khẩu tôm hùm đất đông lạnh để làm thực phẩm. “Các mặt hàng tôm hùm đất buôn bán tại Việt Nam đều là hàng nhập lậu”, ông Long khẳng định.
Luật sư Nguyễn Lập (Đoàn Luật sư TP HCM) cũng cho biết, theo khoản 7, điều 7 của Luật Đa dạng sinh học năm 2008, người kinh doanh hoặc lưu trữ, vận chuyển vật nằm trong danh mục cấm tại Việt Nam (không phân biệt sống hay chết) là vi phạm pháp luật. Hành vi nhập khẩu tôm hùm đất trái phép - kể cả dạng đông lạnh - để buôn bán sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự nếu tái phạm.
Theo khoản 2, điều 43 Nghị định 155/2016/NĐ-CP, trường hợp lưu giữ, buôn bán loài ngoại lai xâm hại ngoài phạm vi bảo tồn nhưng chưa gây thiệt hại có thể bị xử phạt từ 5 - 10 triệu đồng, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tiêu hủy toàn bộ loài ngoại lai đã nhập trái phép. Nếu buôn bán loài ngoại lai có giá trị từ 250 triệu đồng trở lên hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà vẫn tái phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 246 Bộ luật Hình sự năm 2015.