Môi trường

Bất cập trong xử lý nước thải sinh hoạt

  • Tác giả : Hà Bình
(khoahocdoisong.vn) - Trong các hóa đơn tiền nước luôn ghi rõ người dùng phải trả 10% cho phí xử lý nước thải. Số tiền này có "làm tròn trách nhiệm" không?

Cần đến kinh phí lớn

Cầm trên tay tờ hóa đơn tiền nước, bà Lê Thu Thủy (Nam Từ Liêm, Hà Nội) thắc mắc, hóa đơn tháng nào cũng ghi 10% tiền phí xử lý nước thải, nhưng hiện hệ thống nước thải sinh hoạt của khu dân cư đổ thẳng ra cống chứ không qua trạm xử lý nước thải nào. Vậy số tiền xử lý nước thải ấy dùng để làm gì, có phải là tiền để xử lý nước thải như trên hóa đơn tiền nước ghi rõ không?

Theo ông Trần Nhật Đình, chuyên gia độc lập của các dự án về môi trường, việc quy định 10% phí xử lý nước thải trên tổng số hóa đơn tiền nước, thực ra mới chỉ là việc “quy định cho có” chứ về bản chất thì rất khó. Bởi chi phí để xử lý nước thải rất cao, có thể cao bằng hoặc hơn với chi phí sản xuất nước sạch.

Do đó, nếu muốn xử lý được nước thải thì chi phí sẽ phải là gấp đôi số tiền nước hàng tháng mỗi gia đình phải chi trả. Nhưng về nguyên tắc thì người tiêu dùng rất khó chấp nhận mức giá này, do đó, 10% hóa đơn tiền nước chỉ là một hình thức. Số tiền đó dùng cho xây dựng hệ thống thoát nước có khi cũng còn chưa đủ.

“Để xử lý nước thải phải đầu tư công nghệ lớn, bài bản, kinh phí vận  hành tốn kém. Hiện nay chúng ta chưa làm được điều này. Các đơn vị kinh doanh nước sạch thu 10% phí xử lý nước thải theo quy định hiện hành chứ không phải họ tự ý đặt ra khoản thu này. Tuy nhiên việc sử dụng 10% này vào việc gì, phân bổ ra sao, có quỹ dành cho xử lý nước thải hay không lại là vấn đề khác mà dư luận chưa được rõ”, ông Trần Nhật Đình phân tích.

GS.TS Trần Hiếu Nhuệ, Viện trưởng Viện Kỹ thuật nước và Môi trường cho biết, việc xử lý nước thải sinh hoạt ở đô thị vốn là vấn đề nan giải. Tuy số lượng công trình xử lý nước thải đô thị có tăng qua các năm nhưng lượng nước thải được xử lý vẫn ở mức thấp, chỉ đạt khoảng 25 - 30%. Tình trạng nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý, xả thẳng ra môi trường vẫn diễn ra khá phổ biến ở các đô thị. Ví dụ như ở Hà Nội, các nhà máy xử lý nước thải mới chỉ xử lý được khoảng 26,3% tổng lượng nước thải sinh hoạt của thành phố.

Theo tính toán, đến năm 2020, chúng ta có thể xử lý lượng nước thải khoảng 1 triệu m3/ngày đêm trên tổng lượng nước thải sinh hoạt đô thị dự kiến vào khoảng 3 triệu m3/ngày đêm (hơn 30%). Theo lộ trình đến năm 2030, chúng ta sẽ cố gắng nâng tỷ lệ này lên 80%.

Công nghệ không thiếu

Theo GS.TS Trần Hiếu Nhuệ, có rất nhiều công nghệ xử lý nước thải khác nhau, Nhà nước đầu tư khá lớn. Đơn giản nhất là chúng ta đã có công nghệ xử lý bằng hồ sinh học (hay còn gọi là hồ ổn định nước thải). Đây là phương pháp xử lý đơn giản nhất, không yêu cầu kỹ thuật cao, vốn đầu tư ít, chi phí rẻ, đang được áp dụng ở một số thành phố như: Bắc Giang (Bắc Giang), Đồng Hới (Quảng Bình), Phan Thiết (Bình Thuận).

Bên cạnh đó, còn một số công nghệ tiên tiến và tiết kiệm năng lượng hơn như: Công nghệ kênh ô-xi hóa tuần hoàn, công nghệ phản ứng sinh học theo mẻ (SBR)... Một trong những công nghệ hiện đại đang được áp dụng hiện nay là công nghệ AO, giúp xử lý các chất hữu cơ dễ bị phân hủy sinh học và các loại nước thải có chứa hàm lượng ni-tơ, phốt-pho cao. Công nghệ này đang được áp dụng ở các trạm XLNT Kim Liên, Trúc Bạch (Hà Nội).

Tuy nhiên, bất cập là nhiều nhà máy chỉ hoạt động một phần công suất thiết kế. Ví dụ, Trạm xử lý nước thải Bắc Thăng Long-Vân Trì chỉ xử lý trung bình 5.600m3/ngày đêm trên tổng công suất 42.000m3/ngày đêm vì chưa có mạng lưới đường ống thu gom nước thải từ khu đô thị, dân cư xung quanh. Vì thế, cần có giải pháp thu hút nguồn vốn đầu tư thiết kế bổ sung hệ thống nối các đường ống, cống thoát nước thải sinh hoạt tới các nhà máy xử lý nước thải đã được xây dựng.

Theo các chuyên gia, hiện vấn đề xử lý nước thải sinh hoạt đô thị vẫn thuộc danh mục đầu tư của Nhà nước. Việc thu phí xử lý nước thải với người dân chỉ là một khoản thu nhỏ hỗ trợ công tác xây dựng hạ tầng thu gom, chứ không đủ để xử lý toàn bộ hệ thống nước thải.

Hà Bình

BẢN DESKTOP