Bình luận

Bắt bác sĩ chỉ thiệt bệnh nhân

Bác sĩ không bao giờ coi bệnh nhân là kẻ thù. Do vậy rất khó để phân định đâu là ranh giới bác sĩ phạm tội hay không phạm tội. Nếu bác sĩ bị truy tố hình sự chỉ vì sai sót không cố ý, họ sẽ hoảng sợ mà phòng thủ, dễ tìm cách “bỏ rơi” những bệnh nhân khó để không phải chịu trách nhiệm pháp lý”,

BS Trần Văn Phúc, Bệnh viện Xanh Pôn.

Nếu vô ý thì không cấu thành tội

Cảm xúc của ông thế nào khi nghe tin Bác sĩ (BS) Hoàng Công Lương được tại ngoại?

Xúc động, vui, quyết định này thể hiện sự nhân văn của cơ quan công an.

Nhiều người khi nghe tin BS Lương được thả cũng rất vui mừng. Nhưng tại ngoại không có nghĩa là vô tội, mà cơ quan công an vẫn đang tiếp tục điều tra. Quan điểm của ông về việc này thế nào?

Việc cơ quan công an khởi tố và bắt tạm giam BS Hoàng Công Lương nếu theo Điều 242 Bộ Luật hình sự là đúng. Nhưng BS không bao giờ coi bệnh nhân là kẻ thù, nên sẽ rất khó để phân định đâu là ranh giới BS phạm tội hay không phạm tội.

Tôi cho rằng, nếu không có dấu hiệu BS Lương cố ý phạm tội, mà chỉ vì thiện chí lo lắng cho bệnh nhân, vô ý để xảy ra sai sót, thì viện kiểm sát, tòa án, cơ quan công an cần phải tham khảo ý kiến của các hội nghề nghiệp.

Có nghĩa là nếu như hành động của BS Lương xuất phát từ thiện chí tốt dành cho người bệnh thì BS có quyền được “bảo vệ”?

Năm 1980, Tòa án tối cáo Massachusetts đã ra phán quyết: “Bác sĩ sẽ được bảo vệ, nếu hành động của bác sĩ dựa trên sự phán đoán có thiện chí tốt dành cho người bệnh”.

Theo tôi, xét về bản chất, nếu BS Lương biết rõ nguy cơ tử vong của 18 bệnh nhân, nhưng anh lại không quan tâm, hành động dựa trên sự bừa bãi và liều lĩnh, coi thường sự an toàn của người bệnh để gây nên cái chết, thì rõ ràng là kẻ phạm tội.

Nhưng nếu chỉ vì chủ quan, nhận thông báo qua điện thoại và tin tưởng cán bộ sửa chữa, trong khi áp lực phải giải quyết bệnh nhân đang đè nặng, thì đó là sự cố xảy ra ngoài ý muốn, nên không thể coi đó là hành vi phạm tội.

Y tế liên quan tới tính mạng con người, mọi thứ đều phải cẩn trọng hết mức. Liệu có thể hành động theo “chủ quan” hay không?

Tài năng của BS phụ thuộc vào phác đồ bác sĩ nắm được, chứ không phải quy trình, những gì thuộc về thủ tục hành chính, kĩ thuật đơn thuần, thuộc sức mạnh từng bệnh viện. Không rõ BVĐK tỉnh Hòa Bình có xây dựng quy trình hay không. Nhưng qua sự cố khủng khiếp vừa rồi, tôi cho rằng dù có đi chăng nữa nó cũng không đạt chuẩn chất lượng.

Và khi không có quy trình hoặc có mà chỉ làm lấy lệ, thì đương nhiên BS sẽ chỉ làm việc theo cảm tính, hệ quả tất yếu là xảy ra sai sót nghiêm trọng. Khi sai sót cá nhân lại có nguyên nhân từ hệ thống, nó sẽ diễn ra thường xuyên và rất khó ngăn chặn.

BS Hoàng Công Lương tại thời điểm bị cơ quan công an bắt giữ.

 Đừng nghĩ ngành y không được sai sót

Cứ cho là quy trình lỏng lẻo, nhưng việc làm theo cảm tính mà để xảy ra chết người thì BS phải chịu một phần trách nhiệm theo pháp luật chứ? Vì sao ông nói cần tới ý kiến của các hội nghề nghiệp trong vụ việc này?

Nước Mỹ, theo thống kê của Đại học Harvard, mỗi năm có khoảng 98.000 người Mỹ chết do sai sót y tế, một nửa trong số đó là các lỗi có thể tránh được. Nhưng việc truy tố các BS về tội sơ suất dẫn đến chết người lại rất hiếm khi xảy ra. Luật pháp Mỹ quy định, khi bệnh nhân tử vong, BS có thể phải chịu trách nhiệm về sự sơ suất, tội ngộ sát, hay tội giết người ở mức độ 2.

Nhưng để truy tố, công tố viên ở Mỹ bắt buộc phải xem xét trạng thái tâm lí BS khi thực hiện các thủ tục y tế, bắt buộc phải tham khảo ý kiến của hội đồng chuyên gia y tế. Chỉ khi nào hội đồng y tế xác định BS cố ý gây ra cái chết, hoặc mắc các lỗi không cho phép, thì công tố viên mới có thể truy tố. Tôi cho rằng, đó là điều hợp lý.

Tức là những sai sót trong y khoa là điều hoàn toàn có thể xảy ra và chấp nhận được?

Trong khoảng 3 thập kỷ trở lại đây, hầu hết mọi người đều tin rằng sai sót y tế là cái gì đó rất xấu, là không thể chấp nhận. Nhưng thực tế khách quan dù BS có cẩn thận đến mấy cũng vẫn cứ xảy ra sai sót.

Có phải ý ông muốn nói, người dân chưa thực sự hiểu về ngành y? Ông suy nghĩ gì khi mỗi sự việc xảy ra, sự chỉ trích dường như thường hướng về phía thầy thuốc?

Tôi nghĩ ở góc độ nào đó, nhận thức xã hội còn một hố sâu đối với ngành y. Tôi cho rằng, dư luận xã hội, nếu có sự thông cảm và sẻ chia với BS, thì đó là cách tốt nhất. Vì khi tác động đến lương tâm, sẽ làm cho BS càng thấy ăn năn, từ đó thay đổi thái độ, cẩn thận hơn trong hành vi để giảm thiểu sai sót.

Ngược lại, sự chỉ trích nặng nề, đôi khi như sự trừng phạt, sẽ chỉ đào thêm cái hố sâu ngăn cách giữa bệnh nhân với BS, gây tâm lý căng thẳng khi hành nghề, điều đó thực sự nguy hiểm.

Nhưng liệu sự “thông cảm” này có dẫn tới việc các BS thiếu cẩn trọng công việc của mình, và tạo “tiền lệ” từ những vụ việc như thế này?

Tôi không cho vậy. Những người đi vào ngành y, nếu không cẩn thận và có trách nhiệm thì họ sẽ tự bị đào thải. Để xảy ra sai sót chết người, uy tín và danh dự BS sẽ mất, cùng với đó là nỗi ám ảnh, ân hận. Đấy chính là sự trừng phạt lớn nhất dành cho BS. Khi vụ việc này xảy ra, tôi cũng cảm thấy rất đau lòng, là một cú sốc.

Dù không bị truy tố thì lương tâm người thầy thuốc cũng sẽ dằn vặt suốt đời, nên một hình thức kỷ luật nặng của ngành y tế cũng là một phương cách giảm nhẹ cảm giác tội lỗi của BS. Nó là bài học và lời nhắc nhở với tất cả mọi người, khi đứng trước tính mạng bệnh nhân phải rất cẩn thận, không được phép chủ quan. Điều quan trọng là phải tìm ra bằng được nguyên nhân, bản chất vụ việc, để cái chết của 8 nạn nhân không oan ức. Đừng nghĩ ngành y không được sai sót.

Chiếu theo luật, hầu hết bác sĩ phạm tội

Như vậy theo ông, việc xử lý hình sự bác sĩ cần phải hết sức cẩn trọng?

Đúng thế. Theo tôi, chỉ xử lý với những trường hợp phạm tội cố ý, những trường hợp ý thức được sự nguy hiểm với người bệnh nhưng vẫn bỏ qua.

Còn Điều 242 Bộ Luật hình sự bộc lộ bất cập. Vì chiếu theo luật, cứ sai sót chuyên môn gây hậu quả nghiêm trọng như chết bệnh nhân là sẽ bị bắt, trong khi sai sót có thể là vô tình chứ không phải cố ý. Nếu như vậy, hầu hết các BS sẽ phạm phải Điều 242 này.

Nếu cứ chiếu và làm chặt theo luật sẽ dẫn tới hệ quả như thế nào?

Trong y khoa có thực tế, làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, không làm thì không sai. Hậu quả là BS sẽ sợ, chùn tay, tìm cách né tránh, “bỏ rơi” bệnh nhân khó để không phải đi tù. Với những ca khó, bác sĩ có thể sẽ chỉ hội chẩn, gia đình ký rồi chuyển viện, sẽ là một chuỗi luân chuyển vòng quanh vì không ai dại đứng ra đương đầu. Và bệnh nhân sẽ bị trả giá đắt.

Vậy theo ông có cách nào để hạn chế những vụ việc xảy ra như ở BV Hòa Bình vừa qua?

Tôi cho rằng, trong câu chuyện này, một mình BS Lương không thể biến cả lĩnh vực thận nhân tạo bị lộn ngược. Khi lỗi thuộc về hệ thống, thì pháp luật dù có gia tăng đến đâu chăng nữa những chế tài hình sự đối với cá nhân, những sai sót cũng không thể giảm.

Cách tốt nhất để giảm thiểu những sai sót ở mỗi cá nhân, là ngành y tế phải bắt tay xây dựng thật bài bản hệ thống  “Quản lí chất lượng – An toàn người bệnh”. Cùng với đó, y tế phải tạo nên môi trường cởi mở, để BS dám nhận trách nhiệm và rút ra bài học từ những sai sót do chính mình gây ra.

Trân trọng cảm ơn ông!

Sáng 29/5,  BS Hoàng Công Lương,  BVĐK Hòa Bình đã ra y lệnh chạy thận cho 18 bệnh nhân. 8 bệnh nhân đã chết trong buổi chạy thận đó. Ngày 22/6, bác sĩ Lương đã bị công an bắt tạm giam. Ngày 5/7, BS Lương được tại ngoại để tiếp tục phục vụ cho công tác điều tra.

Mai Loan (thực hiện)

BẢN DESKTOP