Đời sống

Bão số 11 sẽ đổi hướng đi từ vịnh Bắc bộ xuống miền Trung

Bão số 11 đang di chuyển theo hướng tây Tây Bắc. Tuy nhiên, 24 – 48 giờ tiếp theo, bão được dự báo sẽ di chuyển theo hướng Tây Nam.

Bão số 11 đã thay đổi hướng đi ngày 15-10 – Ảnh: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20km. 

Đến 7h ngày 16-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,5 độ vĩ Bắc, 110,0 độ kinh Đông, trên khu vực giữa đảo Hải Nam – bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc). 

Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-115km/giờ), giật cấp 14.

Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới có gió mạnh cấp 6 trở lên được xác định ở phía Bắc từ vĩ tuyến 17,0 độ vĩ Bắc.

Dự báo 24 – 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Nam mỗi giờ đi được 10-15km và tiếp tục suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. 

Đến 7h ngày 17-10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 18,5 độ vĩ Bắc, 107,8 độ kinh Đông, trên vùng biển Nam vịnh Bắc bộ. 

Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/h), giật cấp 9.

Dự báo trong 48 – 60 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng nam Tây Nam, mỗi giờ đi được 5km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương cảnh báo gió mạnh trên biển do ảnh hưởng của bão, khu vực bắc Biển Đông có mưa bão, gió mạnh cấp 8-10, vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-13, giật cấp 16, biển động dữ dội.

Ở vùng biển Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7. 

Từ đêm nay 15-10, ở phía Bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm các đảo Cô Tô, Bạch Long Vĩ) có gió mạnh dần lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 13, biển động dữ dội.

Từ sáng nay 15-10, vùng biển Quảng Trị đến Quảng Ngãi (bao gồm các đảo Hòn Ngư, Cù Lao Chàm, Lý Sơn) có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, biển động mạnh.  

Cũng do ảnh hưởng của rìa phía Tây Nam hoàn lưu bão số 11, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển Bình Thuận – Cà Mau, Cà Mau – Kiên Giang có mưa rào và dông, trong cơn dông khả năng có gió giật cấp 7-8.

Mưa lớn, hậu quả khôn lường

Dù dự báo bão có thể suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường – trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai – vẫn cho rằng nếu tiếp tục mưa lớn hậu quả vẫn cực kỳ lớn, tổn thương khôn lường”.

Bởi đợt mưa lũ vừa qua đã tàn phá về hạ tầng, làm suy yếu hệ thống phòng chống, trong đó có các tuyến đê, làm thiệt hại nặng về người và kinh tế. Trong khi đó, báo cáo của Tổng cục Thủy lợi cũng cho biết các hồ thủy lợi cơ bản đầy nước, nguy cơ rình rập bất cứ lúc nào.

Để chủ động trong ứng phó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu tuyệt đối không được chủ quan. Đặc biệt phải bảo đảm an toàn cả trên biển và đất liền.

“Đặc biệt là đê điều, tất cả những điểm xung yếu phải tập trung xử lý và phải có sẵn phương án ứng phó bốn tại chỗ, ứng phó ngay từ giờ đầu” – ông Cường nói.

Hoàng Bách (tổng hợp)

BẢN DESKTOP