Đời sống

Bạo lực ở người già: Do hành vi hay suy nghĩ?

Ngoài những lý do khách quản, bản thân người già cũng cần trang bị kiến thức, kỹ năng cũng như cách suy nghĩ để không biến mình thành nạn nhân của ngược đãi.

Bạo lực do hành vi hay suy nghĩ?

“Bố tôi đã ngoài 90 tuổi yêu một người kém hơn 50 tuổi. Ông cảm thấy rất đau khổ vì bị xã hội kỳ thị, dù ông thì luôn thấy vui, khoẻ. Cách đây nửa năm, ông than thở với tôi rằng ông bị ngược đãi. Vì ông đi mát xa dưỡng sinh đả thông kinh lạc, nhưng ông bị từ chối.

Người ta bảo ông rằng cụ già rồi, giờ làm nhỡ cụ chết trên giường thì chúng tôi biết làm thế nào. Bố tôi rất tức giận, vì dù đã ngoài 90 nhưng ông vẫn có thể ngày chạy xe 3 tỉnh, đi bộ 20km, đi câu cá, dã ngoại…”, nhà văn Trang Hạ chia sẻ.

/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/nguoi-gia3.jpg

Ảnh minh họa.

Trong khi cụ cho rằng không cho cụ được mát xa là ngược đãi, nhưng xã hội lại nhìn nhận rằng như thế là bảo vệ cụ, tốt cho cụ. Rồi có lần cụ đang đi thì xe hỏng, cụ sẵn sàng dắt xe qua cầu Thăng Long về nhà ở Đông Anh chứ cụ không lên taxi đi. Các con bắt cụ phải đi taxi thì cụ cho rằng như thế là ngược đãi cụ. Vậy ngược đãi nằm trong hành vi hay ở trong suy nghĩ?

Một câu chuyện có thật. Hai người già gặp nhau trong bệnh viện than thở với nhau. Một người nói con mình là giám đốc rất thành đạt, người khác nói con mình chẳng nghề ngỗng gì, suốt ngày lông bông. Bà có con là giám đốc nói: Chị sướng quá còn gì, con chị cõng chị vào tận đây. Con tôi tuy làm giám đốc nhưng nó chẳng biết tôi bị bệnh gì, không biết tôi uống thuốc gì, chỉ đưa tiền đi khám.

Đây có phải là câu chuyện của hai người già bị ngược đãi hay không? Đây là hai người là nạn nhân của chính mình. Nhiều người cao tuổi không chấp nhận việc được chăm sóc theo điều kiện của con cái, thường có tư duy “đứng núi này trông núi nọ”. Cụ được con cõng vào viện thì oán trách con không có tiền, cụ được con đưa tiền để chữa trị thì oán trách sao con không cõng mình vào viện.

Bà Phạm Tuyết Nhung, Hội Người Cao tuổi Việt Nam cho rằng, ngoài việc tự nhận thức thì nhiều người già không được bình đẳng trước pháp luật, dù đã có luật. Ví dụ, hỗ trợ vay vốn, không ngân hàng nào cho người già vay vốn. Rồi quyền về tài sản, thông tin, an sinh xã hội, việc làm… của người già đều bị hạn chế.

Ở các nước có nhiều lớp học ngoài ngữ, lớp học kỹ năng sống cho người già, nhưng ở Việt Nam thì gần như không có. Trong khi đó, việc trang bị kỹ năng sống là rất cần thiết cho người già. Sống ở thế kỷ 21 mà vẫn sử dụng những giá trị quan của thế kỷ 20 là trở ngại rất lớn, nhiều khi chính người già gây ra bạo lực cho mình.

Nhận thức đúng về quyền của mình

Nhà văn Trang Hạ cho rằng, việc ngược đãi người già có thể chỉ là những hành vi đơn giản hằng ngày mà ít người để ý. Ví dụ như ở cơ quan có việc về muộn, gọi điện cho bố mẹ nhờ đón cháu giúp. Thì đây cũng là một hành vi ngược đãi vì đã tạo sức ép cho người già. Vì đó là những công việc không được trả lương. Công việc đó không có trong kế hoạch của ông bà nên nó có thể tạo ra sức ép.

Bạn đã bảo giờ tự hỏi rằng bố mẹ bạn làm việc nhà nhiều hơn bạn bao nhiêu tiếng không? Nếu đột nhiên sếp bảo bạn đi tiếp khách, bạn dù không thích nhưng chắc cũng vẫn đi. Còn ông bà ở nhà, những kiểu mệnh lệnh đó diễn ra ngày này sang tháng khác.

Tất nhiên đó là hành động tự nguyện của người già, nhưng không phải người nào cũng nhận thức được về quyền của mình.

Theo nhiều chuyên gia, người già ít đòi hỏi quyền như quyền không xâm phạm thân thể, quyền an ninh, khi gặp phải vấn đề xâm phạm thì gọi kêu cứu đến đâu?

Quan điểm cho rằng nhu cầu tình dục không phải là vấn đề của người già, cũng đã là một hình thức ngược đãi. Việc lạm dụng xúc cảm, xao nhãng về chăm sóc cha mẹ già… đều là những hành vi không đúng.

Nhiều người già còn không có nổi một nửa mét vuông để sinh sống, nay ở nhà con cả, mai ở nhà con thứ, không gian sống của người cao tuổi cũng được quy định trong luật.

Nghiên cứu cho thấy, người già còn thiếu kỹ năng sống nên không tìm được sự hài lòng trong cuộc sống, với xã hội, với bản thân.

Bảo Khánh

BẢN DESKTOP