Bình luận

Báo in trong tòa soạn hội tụ đa phương tiện

  • Tác giả : PV
Quy trình sản xuất ấn phẩm báo in Khoa học và Đời sống trong tòa soạn hội tụ đa phương tiện từng bước được hoàn thiện ở mọi mặt, từ làm báo trên nền tảng số, đến bạn đọc có thể xem trang báo yêu thích trên điện thoại thông minh.

Quy trình sản xuất báo in theo mô hình tòa soạn hội tụ

Còn nhớ, khi tôi mới về Khoa học và Đời sống, bản thảo được viết tay, biên tập rồi chuyển sang nhân viên đánh máy. Sau đó, Ban Thư ký soát lỗi rồi chuyển cho họa sĩ trình bày, mang bản thảo vào maket ra nhà in để sắp chữ... Mọi khâu đều làm bằng tay hết. Khi đó, cả ban phóng viên có một máy tính, thay nhau dùng. Sau hơn 25 năm, mọi sự thay đổi chóng mặt.

Sự đổi mới thể hiện rõ nhất trong quy trình sản xuất ấn phẩm báo in theo mô hình tòa soạn hội tụ, từ hội tụ nguồn lực đến quy trình để có thể kiểm soát nội dung. Nhờ hội tụ, báo có nguồn tin bài phong phú, từ báo điện tử đến các chuyên trang với đội ngũ phóng viên, biên tập viên… Vấn đề là chọn ra những đề tài phù hợp báo giấy, độc giả của báo giấy.

Đề tài được các ban đề xuất, Ban Biên tập duyệt để phóng viên triển khai. Những bài báo quan trọng đều có ảnh, video, đồ họa. Đặc biệt, từ số báo ra ngày 13/10/2022, bạn đọc có thể quét mã QR code để đọc báo in trên các thiết bị điện tử thông minh. Điều này cũng nhằm hướng đến phát triển nội dung của số báo trong mô hình tòa soạn hội tụ.

65 ra đời và phát triển, với quy trình sản xuất mới hiện nay, ấn phẩm in Khoa học và Đời sống là một trong những tờ báo tiên phong phát triển báo giấy trên nền tảng điện tử để tờ báo đến tay độc giả ngay trên điện thoại và máy tính.

Nhận xét về sự đổi mới này, độc giả Đoàn Duy Long (Tập thể C3 Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) chia sẻ, ngoài việc giấy sáng, trình bày đẹp, việc có thêm QR code tạo điều kiện cho chúng tôi chia sẻ những bài viết hay, hữu ích cho bạn bè, người thân…

Thúy Nga - Trần Hải

Cái tên Khoa học và Đời sống có gì đó “như là áp lực”

Tôi đến với tờ Khoa học và Đời sống như một cái “duyên” vậy! Dù từng làm cho một số báo, không hiểu sao, trên “mảnh đất” mới này vẫn khiến tôi có chút gì đó lúng túng, ngỡ ngàng. Có thể do cái tên Khoa học và Đời sống với bề dày truyền thống 65 năm, các thế hệ cộng tác viên là nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành... nên “có gì đó như là áp lực”. Thế nhưng, những lời động viên của anh, chị, em đồng nghiệp đã giúp tôi nhanh chóng hòa vào guồng quay công việc.

Nhiệm vụ của tôi là biên tập những tin bài từ phóng viên, cộng tác viên gửi về để xuất bản trên ấn phẩm báo in và trang điện tử. Công việc bao gồm nhiều công đoạn, từ lên kế hoạch cho nội dung, đến nhận bài, biên tập... Khó khăn nhất là lên kế hoạch, từng trang, mục sao cho cân đối, dù là tuần một số nhưng vẫn phải đảm bảo tính thời sự.

Nhiều khi bài đã lên trang, tối muộn ngày sản xuất báo vẫn phải thay vì có tin bài thời sự. Thế nên, việc trực sản xuất đến 11-12h đêm là chuyện bình thường. Vất vả là thế, nhưng sáng hôm sau, cầm trên tay tờ báo mới, cảm giác hồi hộp, mừng vui vì mang đến cho độc giả những thông tin bổ ích đã động viên chúng tôi luôn tìm tòi, sáng tạo.

Là biên tập viên, tôi mang trong mình những trăn trở, đó là xử lý ra sao để tác phẩm tốt lên, nhưng không làm sai lệch ý của tác giả. Chính vì vậy, trong quá trình biên tập, tôi luôn cố gắng thực hiện đúng các bước, khâu trong quy trình xuất bản. Và một yêu cầu đặc biệt là người làm báo luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, thực hiện đúng tôn chỉ mục đích của báo. Ngoài ra, mỗi cá nhân đều phải hết sức thận trọng, không được phép cẩu thả...

Bích Phương (Biên tập viên Ban Khoa học và Đời sống)

Thực hiện ước mơ

Dù không phải công việc đầu tiên sau khi ra trường, nhưng đến thời điểm hiện tại, được làm việc tại Khoa học và Đời sống, với tôi, ước mơ đã được thực hiện.

Là phóng viên, công việc hàng ngày của tôi là viết tin bài đăng trên ấn phẩm báo in và chuyên trang điện tử. Những ngày đầu, tôi gặp không ít khó khăn trong việc tìm đề tài. Được sự hướng dẫn, chỉ đạo rất cụ thể của lãnh đạo Báo, tôi dần tự tin tác nghiệp.

Dù là một đề tài không quá khó, ví dụ phản ánh việc xả rác thiếu ý thức của người dân tại một khu vực ở Hà Nội, nhưng với tôi, đó là sự cố gắng không ngừng để phát hiện, truyền tải đến bạn đọc các vấn đề thời sự. Làm báo đối với tôi là đẹp đẽ và thiêng liêng. Tôi được tiếp xúc nhiều người, ở những môi trường khác nhau để có nhiều trải nghiệm đáng nhớ.

Phạm Huy (phóng viên Ban Khoa học và Đời sống)

Nghề báo phải dấn thân

Nghề báo cho tôi cơ hội được tiếp xúc với nhiều nhân vật, trải nghiệm thú vị. Một trong số đó chính là khi tôi tác nghiệp tại Hà Nội đầu năm 2020, thời điểm đầu của dịch Covid-19. Khi ấy, tôi còn là sinh viên thực tập, được giao nhiệm vụ tới các con phố của Hà Nội thực hiện chùm ảnh về cuộc sống của người dân.

Đeo chiếc máy ảnh lên cổ, tôi đi dọc những con phố với chút lo lắng của lần đầu đi tác nghiệp. Đang mùa dịch, tôi tự dặn mình điều quan trọng nhất là đảm bảo an toàn. Tôi đeo khẩu trang, đứng giữ khoảng cách với mọi người như được khuyến cáo.

Cảnh tượng đầu tiên là những con đường vốn đông đúc, nay chỉ có vài xe qua lại, cửa hàng đóng cửa im lìm. Ngay cả phố cổ, nơi tập trung đông khách du lịch, cũng vắng bóng người. Có người trả lời câu hỏi của tôi nhiệt tình, nhưng cũng có người vì sợ dịch bệnh mà đứng cách xa, trên khuôn mặt lộ rõ lo lắng, khó chịu. Một số còn từ chối, không muốn tiếp xúc phóng viên, đóng cửa nhà ngay tức khắc.

Lần tác nghiệp này khiến tôi cảm thấy hoang mang, nhưng tôi đã phải tự động viên mình để hoàn thành nhiệm vụ. Bởi vì tôi biết, nghề báo là như vậy, dù trong hoàn cảnh nào, có một mình một nơi thì vẫn phải mạnh mẽ, dấn thân để có được thông tin nhanh, chính xác.

Ngọc Tuấn (phóng viên Ban Khoa học và Đời sống)

PV

BẢN DESKTOP