Trong nước

Báo động tình trạng thanh thiếu niên trượt patin trên đường

  • Tác giả : Nguyễn Gia Long (TPHCM)
Đã từ lâu ở nước ta phong trào chơi và trượt patin luôn thu hút được rất nhiều các bạn trẻ, nhất là các bạn trẻ sinh sống tại các đô thị.

Trước đây, thường chỉ có những nhà khá giả mới chơi patin, bởi giá các bộ ván-giày trượt patin khá đắt, có khi lên tới tiền triệu, thậm chí nhiều triệu đồng với các loại patin hàng hiệu.. Những năm gần đây, bộ môn này đã thu hút được cả các bạn trẻ ở những gia đình có kinh tế bình thường, khi nhiều bộ ván-giày trượt patin có giá cũng chỉ từ vài ba trăm ngàn đồng. Không ít các bạn trẻ thường lập các hội nhóm để chơi môn thể thao này với nhau.

Về cơ bản, đây là trò chơi khá tốt khi nó làm tăng cường độ nhanh nhẹn, khéo léo, sức khỏe và sự dẻo dai. Thế nhưng, patin cần phải được chơi trượt đúng nơi đúng chỗ là những sân bãi rộng, thoáng, những phòng tập… chứ không phải là ở ngoài đường.

Đường phố tại các đô thị ở nước ta luôn trong tình trạng đông đúc người và phương tiện tham gia giao thông, việc mang bàn trượt patin ra đường để chơi trượt là cực kỳ nguy hiểm. Đã không ít lần, tôi tận mắt chứng kiến cảnh các em học sinh, thanh thiếu niên vác ván - giày trượt patin ra đường trượt một cách rất tự nhiên, mặc cho dòng xe cộ lưu thông. Các em lạng lách, đánh võng để chứng tỏ mình “có nghề”, mình “cao siêu”, chơi giỏi…, khiến cho người đi đường hú vía. Thực tế, đã có không ít vụ tai nạn giao thông từ sự va chạm giữa các em trượt patin với xe cộ đang lưu thông..

Vụ việc gần đây nhất xảy ra ngày 29/9/2024, tại một đường hẻm thuộc khu phố Tân Trà (phường Tân Bình, TP. Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước), khi một nhóm trẻ trượt patin giữa đường và một trong số đó bị xe máy tông. Người phụ nữ điều khiển xe máy cũng ngã lăn giữa đường, chưa kịp đứng dậy thì bị một người đàn ông chạy tới đấm, đá túi bụi, gây phẫn nộ trong dư luận…

Được biết, theo Điểm b Khoản 2 Điều 11 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định với hành vi sử dụng bàn trượt, patin, các thiết bị tương tự trên phần đường xe chạy thì sẽ bị xử phạt 100.000 đồng đến 200.000 đồng. Như vậy, hành vi sử dụng ván-giày trượt patin ở lòng đường là hành vi bị cấm và có thể bị xử phạt theo quy định.

Để hạn chế nguy cơ mất an toàn giao thông, cũng như không ảnh hưởng tới người điều khiển phương tiện tham giao thông, trò trượt patin trên đường phải bị ngăn cấm triệt để. Ngoài tuyên truyền nhắc nhở, giáo dục nơi nhà trường cũng như tại các gia đình, cần phải xử lý nghiêm bằng nhiều hình thức, tạo được “sức nặng” mang tính răn đe…

Nguyễn Gia Long (TPHCM)

BẢN DESKTOP