Y học và đời sống

Bao cao su không bảo vệ hoàn toàn lây nhiễm HPV

  • Tác giả : Mai Nguyễn
(khoahocdoisong.vn) - Nhiễm HPV trong bộ phận sinh dục có thể dẫn đến ung thư cổ tử cung hoặc ung thư âm đạo ở phụ nữ và ung thư dương vật ở nam giới. Điều đáng lo ngại là bao cao su không bảo vệ hoàn toàn được việc lây nhiễm HPV.

Nhiều bạn tình có nguy cơ lây nhiễm HPV

BS CK2 Nguyễn Văn Tiến, Trưởng Khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung bướu TPHCM cho biết, virus gây u nhú ở người (HPV) là một loại virus lây lan qua tiếp xúc da kề da, bao gồm quan hệ tình dục qua đường âm đạo, quan hệ tình dục qua đường miệng, quan hệ tình dục qua đường hậu môn hoặc bất kỳ liên hệ nào khác liên quan đến vùng sinh dục (ví dụ: tay liên hệ với bộ phận sinh dục).

Điều đáng lo ngại là bao cao su không bảo vệ hoàn toàn khỏi nhiễm HPV vì bao cao su không bao được tất cả da tiếp xúc với bộ phận sinh dục. Người ta không bị nhiễm HPV bằng cách chạm vào vật thể, chẳng hạn như chỗ vệ sinh.

Đa số phụ nữ và nam giới bị nhiễm HPV lần đầu tiên trong độ tuổi từ 15 đến 25. Hầu hết những người bị nhiễm HPV không có triệu chứng, và trong hầu hết các trường hợp, thường nhiễm HPV sẽ tự khỏi.Nguy cơ bị nhiễm HPV tăng lên với số lượng bạn tình của bạn và số đối tác mà bạn tình của bạn có. Người ta ước tính rằng 75 – 80% người trưởng thành hoạt động tình dục sẽ bị nhiễm HPV sinh dục trước tuổi 50.

Nhưng ở một số người, nhiễm HPV sẽ không biến mất.  Những người bị nhiễm HPV kéo dài có nguy cơ cao bị ung thư cổ tử cung, âm đạo, dương vật hoặc ống hậu môn, ung thư miệng hoặc vùng hầu hoặc mụn cóc ở bộ phận sinh dục.  

Cụ thể, nhiễm trùng HPV quanh hậu môn có thể gây ung thư ống hậu môn ở phụ nữ và nam giới.  Nhiễm HPV trong miệng và cổ họng có thể dẫn đến ung thư hốc miệng và ung thư vùng hầu ở phụ nữ và nam giới.

Nhiều bạn tình có nguy cơ lây nhiễm HPV cao hơn. Ảnh minh họa.

Nhiều bạn tình có nguy cơ lây nhiễm HPV cao hơn. Ảnh minh họa.

Vì sao nên chủng ngừa HPV?

BS Nguyễn Văn Tiến cho biết, rất khó để biết người nào sẽ bị ung thư sau khi bị nhiễm HPV. Thuốc chủng ngừa HPV là một cách hay để cố gắng ngăn ngừa nhiễm bệnh ngay từ đầu.

Thuốc chủng ngừa HPV hoạt động tốt nhất trước khi một người bị nhiễm HPV. Thuốc chủng ngừa HPV không thể chữa khỏi nhiễm HPV mà một người đã có.  Đó là lý do tại sao nên chủng ngừa HPV trước khi bạn quan hệ tình dục lần đầu tiên.

Tuy nhiên, nếu  bạn đã có quan hệ tình dục, bác sĩ có thể khuyên bạn vẫn nên chủng ngừa HPV, bởi vì văcxin vẫn có tác dụng.

Về  độ tuổi chủng ngừa HPV, hầu hết các bác sĩ khuyên mọi người nên chủng ngừa HPV ở tuổi 11 hoặc 12. Nhưng mọi người có thể chủng ngừa bất cứ lúc nào từ 9 đến 26 tuổi. Phụ nữ không nên chủng ngừa nếu họ đang mang thai.

Những người dưới 15 tuổi nên được chích 2 liều, cách nhau ít nhất 6 tháng. Người từ 15 tuổi trở lên nên được chích 3 liều trong vòng 6 tháng.

Thuốc chủng ngừa HPV rất tốt trong việc ngăn ngừa nhiễm HPV và ung thư cổ tử cung. Thuốc cũng có thể ngăn ngừa các bệnh ung thư khác, bao gồm ung thư miệng và vùng hầu. Nhưng nó không phải là hoàn hảo. Trong một số trường hợp, những người chủng ngừa vẫn có thể bị nhiễm HPV.

Một số người quan niệm sai lầm, cho rằng cứ chủng ngừa văcxin rồi thì khỏi lo ung thư cổ tử cung, cứ thoải mái hoạt động tình dục và không cần đi tầm soát. Lưu ý là văcxin chỉ phòng ngừa nhiễm HPV chứ không phải phòng ngừa ung thư cổ tử cung. 

Văcxin chủng ngừa HPV không ngăn việc người khác lây lan các bệnh lây truyền qua quan hệ tình dục khác. Để tránh lây truyền bệnh qua quan hệ tình dục, nên quan hệ tình dục chung thủy. Và sử dụng bao cao su.

Tất cả phụ nữ, kể cả những người chủng ngừa HPV, nên được kiểm tra theo lịch trình thường quy cho bệnh ung thư cổ tử cung. Hầu hết phụ nữ được kiểm tra bằng cách sử dụng một thử nghiệm gọi là "pap smear" bắt đầu từ tuổi 21.

Mai Nguyễn

BẢN DESKTOP