Dinh dưỡng học đường

Bánh mỳ cho bữa sáng

  • Tác giả : BS Nguyễn Nghĩa
(khoahocdoisong.vn) -Bánh mỳ là thực phẩm rất phổ biến với mọi gia đình vì tính tiện dụng, có thể ăn thay cơm. Tuy nhiên, không nên sử dụng bánh mì cho bữa sáng vì đây là thực phẩm không có mấy dinh dưỡng.

Bữa sáng tới trường trẻ thường được cha mẹ sửa soạn đồ ăn sáng là bánh mỳ kẹp vì tiện lợi. Tuy nhiên, loại thực phẩm này chứa nhiều chất béo, chất bảo quản, phụ gia và nước sốt gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Bên cạnh đó, một chiếc bánh mua ở ngoài thường có cỡ lớn, có nhiều bơ, phô mai cũng như thịt chế biến sẵn (xúc xích hoặc thịt xông khói) sẽ làm trẻ dễ béo phì, ấy là chưa kể, bột bánh mỳ có thể làm gia tăng một loại cholesterol xấu có liên quan đến bệnh tim mạch, béo phì ở trẻ sau này. Một số trẻ thích bánh mỳ bơ nướng, món ăn này càng làm sản sinh ra các chất béo, khiến cơ thể tăng cholesterol xấu, hạ cholesterol tốt, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch hay tiểu đường.

Theo các nghiên cứu, trong lúa mỳ - thành phần chính của bánh mỳ, có chứa một loại protein được gọi là gluten. Nếu nạp quá nhiều gluten vào cơ thể sẽ gây nhiều tác dụng phụ như đầy hơi, tổn thương đường ruột. Hơn nữa, bánh mỳ chứa lượng tinh bột lớn có tính kết dính và không có chất xơ. Khi ăn nhiều có thể bị táo bón. Trẻ ăn sáng hay ăn vặt thường chọn bánh mỳ trắng mà loại bánh mỳ này có rất ít chất xơ, trong khi đó, chất xơ là một phần thiết yếu của một chế độ ăn uống lành mạnh, làm giảm mức cholesterol và duy trì đường tiêu hóa hoạt động bình thường. Lượng chất xơ được khuyên dùng hằng ngày là 14g cho mỗi 1.000 calo chúng ta tiêu thụ. Một miếng bánh mì trắng trung bình có 0,5g chất xơ, trong khi một miếng bánh mì nguyên hạt có đến 2g chất xơ, tuy nhiên bánh mỳ nguyên hạt thường ít được các gia đình lựa chọn.

Bánh mỳ là thực phẩm ăn sẵn được làm từ bột mỳ và bột nở nên không có mấy chất dinh dưỡng, nó chỉ được xem là biện pháp giảm đói tạm thời vì bánh được tiêu hóa rất nhanh trong khi đó, bữa sáng được coi là bữa ăn chính, vì vậy, không nên sử dụng bánh mỳ cho bữa ăn này. Nếu không có thời gian và trẻ vẫn thích ăn bánh mỳ, có thể thay thế bằng bánh mỳ nguyên hạt. Bánh mỳ nguyên hạt, bánh mỳ đen có nhiều vitamin, chất khoáng và chất xơ hơn. Bánh mỳ nguyên hạt cũng có một chỉ số đường huyết thấp hơn, cung cấp cho trẻ một nguồn năng lượng ổn định, bền vững hơn, làm giảm nguy cơ mắc bệnh béo phì, tiểu đường, tim mạch. Bánh mỳ nguyên hạt ăn kèm xíu mại, thịt xíu tự chế biến, xà lách, dưa chuột là thực đơn vừa nhanh, vừa tốt cho sức khỏe.

BS Nguyễn Nghĩa (Vĩnh Phúc)

BS Nguyễn Nghĩa

BẢN DESKTOP