Khoa học & Công nghệ

Bạn mất gì khi trút giận trên mạng xã hội?

Khi bực bội với đồng nghiệp, cãi nhau với chồng, giận nhau với bạn bè… nhiều người sẽ lên mạng xã hội để xả giận. Nhẹ nhàng thì nói bóng nói gió, căng thẳng hơn là chửi tục, chửi thề, thậm chí nguyền rủa người gây bực tức trên mạng xã hội. Cách này, đúng là giúp xả giận ngay tức thời, nhưng về lâu dài, việc trút giận trên mạng xã hội rất nguy hiểm.

Việc trút giận trên mạng xã hội đúng là giúp xả giận ngay tức thời, nhưng về lâu dài, việc trút giận trên mạng xã hội rất nguy hiểm. (Ảnh minh họa).

Nhẹ nhõm

thời đại công nghệ “bùng nổ”, hẳn ai cũng sở hữu ít nhất một tài khoản cá nhân trên mạng xã hội (MXH). Cuộc sống căng thẳng, đôi khi bạn chẳng biết trút bực vào đâu, và MXH là lựa chọn lý tưởng.

Giận chồng, bạn lên mạng MXH than thở, bức xúc một vấn đề ở chỗ làm nhưng không dám nói thẳng bạn sẽ chọn MHX để xả, bực hàng xóm mở nhạc quá to, bạn không thể góp ý thế là lên MXH để chửi, để nguyền rủa… MXH quả là một nơi “mời gọi” bạn trút hết mọi bực tức thường ngày.

Chuyên gia tư vấn tâm lý Đinh Đoàn, Cty tư vấn tâm lý – đào tạo phát triển cá nhân & cộng đồng cho biết: Hiện nay nhiều người coi mạng xã hội (MXH) là “cái sọt rác” để người ta tung lên đó mọi thứ vui, buồn, uất ức, sung sướng, hạnh phúc. Ngoài ý nghĩa chia sẻ, tâm sự, MXH còn được coi là nơi xả giận.

Việc “xả rác cảm xúc” lên MXH ít nhiều có mặt tích cực. Sau khi xả, người ta cảm thấy nhẹ nhõm phần nào, còn hơn cứ giữ kín trong lòng, để nó thành ung, thành nhọt.

Mặt khác, có những trường hợp không thể nói thẳng, nói trực tiếp với nhau, thì khi thấy người nào đó “bóng gió” trên MXH liên quan đến mình, người liên quan cũng giật mình, xem lại mình, thay đổi cách ứng xử, thậm chí có cuộc hẹn tiếp xúc trực tiếp để làm “ra môn, ra khoai”. Tất nhiên sự bóng gió này cũng phải chừng mực, tế nhị, chứ không phải chửi đổng, nguyền rủa.

Chuyên gia Đinh Đoàn khuyên: Khi giận dữ, hãy kiềm chế để không nổi giận là tốt nhất. Còn nếu chẳng may có giận, hờn ai, hãy đánh lạc hướng suy nghĩ bằng các việc cụ thể như hò, hét nơi không người, trong buồng kín, hát karaoke, chơi thể thao, đi bộ, đấm gối, đấm bị bông, bật nhạc lên mà “quẩy”… Cũng có thể nói chuyện trực tiếp với người làm mình tức giận, vừa được giải toả, vừa giải quyết tận gốc vấn đề. Khó nữa thì viết lên mạng xã hội nhưng để chế độ “riêng tư”, “chỉ mình tôi”.

Không mặc gì mà đứng ngoài đường

Tuy nhiên, chuyên gia Lê Thị Túy, Trung tâm Tư vấn Tuổi trẻ – Hạnh Phúc cho biết, xả rác trên MXH cũng giống xả rác bừa bãi ngoài đường, đều là những việc “lành ít dữ nhiều”. Người xả rác cứ tưởng MXH là an toàn, là ảo, không ai thấy, nên nói năng bạt mạng, không biết giữ gìn, nên hậu quả xấu lại chính mình gánh chịu.

Đồng quan điểm, chuyên gia Đinh Đoàn cho rằng, khi ấy, chuyện trong nhà, chuyện riêng, chuyện thầm kín mà mang lên MXH thì chẳng khác gì “không mặc gì mà đứng ngoài đường”. Kẻ tò mò sẽ đứng lại xem, kẻ xấu sẽ ném đá, người này khuyên câu vun vào, người khác một câu tán ra, chuyện bé dễ xé ra to.

Người bị “ném rác” vào mình sẽ cảm thấy tức giận vì bị bêu xấu, sẽ khó giữ bình tĩnh để nói chuyện phải trái, nên tiếp tục phản pháo theo kiểu “hòn bấc ném đi hòn chì ném lại”. Không ít án mạng xảy ra xuất phát từ chuyện chửi nhau trên MXH rồi.

Theo chuyên gia Đinh Đoàn, chửi bới, xúc phạm, làm nhục, bôi nhọ người khác hiện nay còn đang tràn lan vô tội vạ, chẳng có cách gì cấm được.

Chắc phải chờ khi Luật An ninh mạng có hiệu lực, các cơ quan quản lý sẽ có chế tài hạn chế, nhắc nhở, hoặc cấm những hành vi ấy. Còn hiện nay chỉ nhắc nhở mọi người rằng MXH là một “xã hội đặc biệt”, mọi thứ đăng lên đó có tốc độ lan truyền kinh khủng, khó kiểm soát.

Bạn vứt rác ngoài đường, có thể có một vài người nhìn thấy, nhưng “rác mạng” tung lên, một phút sau có cả nghìn, cả triệu người thấy. Vì thế, hãy cẩm trọng suy nghĩ trước khi “tung” bất cứ thứ gì lên mạng.

Sơn Hà

BẢN DESKTOP