Khám phá

Bạn có thường xuyên thay dao cạo râu?

Một thực tế là hầu hết người sử dụng dao cạo râu đến khi có biểu hiện bị “cùn” mới nghĩ đến chuyện thay cái mới. Tuy nhiên, việc sử dụng lưỡi dao cạo nhiều tuần liền không chỉ gây nguy hiểm cho làn da mà nó còn có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ của bạn.

Cùn = rát, nhiễm trùng

TS.BS chuyên khoa da liễu Jeanie Chung Leddon, tại Trung tâm Da liễu Boulder Valley (Hoa Kỳ) cho biết: “Thời hạn thay thế dao cạo phụ thuộc vào cách bạn sử dụng nó như thế nào. Những người đàn ông cạo râu mỗi ngày nên thay lưỡi dao sau vài ngày, và phụ nữ nếu dùng đến dao cạo râu nên thay mới dao cạo sau ba hoặc bốn lần sử dụng”.

Lý do là vì lưỡi dao càng sử dụng lâu sẽ càng cùn và bạn phải dùng lực ấn, miết mạnh khi đưa các đường cạo, điều đó khiến cho da của bạn bị chà xát mạnh dẫn đến bị rát, nhiều trường hợp đỏ rát như phải bỏng. Hơn nữa, kiểu cạo râu như vậy cũng có thể khiến bạn dễ bị cứa vào da gây trầy xước, chảy máu. Đặc biệt, nếu bạn có làn da nhạy cảm, chỉ nên dùng dao cạo loại một lưỡi đơn, bởi với dao bốn hay năm lưỡi mỗi nhát cạo da của bạn sẽ bị chà sát bốn năm lần.

/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/cao-300x200.jpg

Lưỡi dao càng sử dụng lâu càng cùn

TS.BS chuyên khoa da liễu Jeanie Chung Leddon nhấn mạnh: Vấn đề không chỉ đơn giản là da bị rát hay những vết cứa nhỏ trên da có thể gây kích ứng, mà còn chúng có thể để lại vi khuẩn, virus, nấm men và nấm trên da, thậm chí tấn công cơ thể bạn qua những vết xước. Hầu hết chúng ta đều có vi khuẩn trên da, nhưng rõ ràng da là rào cản bảo vệ tự nhiên của cơ thể bạn.

Khi da bạn bị cứa, cắt thành những vết xước sẽ cho phép vi khuẩn xâm nhập vào và gây nhiễm trùng. Điều đáng nói, nhiễm trùng từ dao cạo không dễ chịu gì. Khi vi khuẩn nhiễm vào nang lông sẽ gây nên tình trạng viêm nang lông, với biểu hiện là những vết sưng đỏ trông thoáng qua chỉ giống như vết đỏ rát do dao cạo râu cọ xát lên da, nhưng nếu soi kỹ sẽ thấy ở đầu các nốt đỏ này có màu vàng nâu.

Vi khuẩn trên dao cạo cũng có thể gây ra một mảng đỏ rát lớn, gây đau, thậm chí dẫn đến tình trạng áp xe, tạo thành lớp vỏ màu mật ong trên da như bị chốc lở hoặc da đỏ, đau đớn do viêm tế bào. Nếu bạn bị nhiễm trùng như mụn rộp hoặc mụn cóc, hãy sử dụng dao cạo mới mỗi lần để ngăn sự lây lan của nó.

TS Babara McGovern, trường Y thuộc Đại học Tufts (Hoa Kỳ) còn cảnh báo nguy cơ lây nhiễm bệnh khi dùng chung dao cạo, thói quen thường thấy ở nhiều gia đình hoặc ở những người bạn sống cùng nhau. Điều này đặc biệt nguy hiểm, bởi sự lây nhiễm không chỉ là các nhiễm khuẩn thông thường mà nguy cơ nhiễm virus gây bệnh như viêm gan và các bệnh truyền nhiễm qua đường máu như HIV, là hiện hữu khi không may bị các vết cứa gây xước da, chảy máu.

Đừng để trong nhà vệ sinh

Hầu hết mọi người thường để dao cạo râu trong nhà vệ sinh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc giữ dao cạo trong nhà vệ sinh cũng là vấn đề gây rắc rối. Theo TS.BS chuyên khoa da liễu Jeanie Chung Leddon, khi mọi thứ ẩm ướt, vi khuẩn, nấm men, nấm mốc có thể phát triển trong môi trường đó dễ dàng hơn.

/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/rua-dao-cao-rau-300x200.jpg

Sau khi sử dụng nên làm sạch dao và lưỡi dao dưới vòi nước chảy

Ngay cả sau khi tắm, vi khuẩn, nấm mốc và nấm men đã có thể nảy nở ồ ạt trong nhà vệ sinh, đặc biệt là nếu lưỡi dao của bạn bắt đầu cũ, gỉ. Hãy rửa sạch kem cạo râu trên da và rửa mặt sạch sau mỗi lần cạo râu; giữ dao cạo của bạn ở nơi khô ráo thay vì trong nhà vệ sinh.

BS Nguyễn Văn Hùng, nguyên bác sĩ Bệnh viện 105 khuyên thêm tốt nhất sau khi sử dụng dao cạo râu nên làm sạch dao và lưỡi dao dưới vòi nước chảy, tốt hơn cả là mở nước nóng để xả sạch dao cạo, vẩy khô và để nơi cao ráo, thoáng sạch thay vì để trong phòng tắm. Tuyệt đối không để dao cạo râu cùng các đồ dùng vệ sinh cá nhân khác như bàn chải đánh răng, khăn rửa mặt… gần khu vực bồn cầu hoặc bồn rửa mặt.

Huy Khánh

BẢN DESKTOP