Chữa bệnh không dùng thuốc

Bấm huyệt phục hồi cận thị

  • Tác giả : Thúy Nga
(khoahocdoisong.vn) - Do áp lực học hành, thăng tiến mà số người cận thị ngày càng tăng ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Biết cách giải quyết sớm ngay từ giai đoạn bắt đầu sẽ phục hồi được thị lực, tránh phải đeo kính.

Cận di truyền và cận thị giả

Lương y Hoàng Duy Tân, Nguyên Phó chủ tịch Hội Đông y Đồng Nai cho biết, cận thị có tính di truyền đương nhiên không có cách gì trị tận gốc. Còn nguyên nhân do đọc sách, làm việc hoặc sử dụng mắt quá độ gây ra cận thị, gọi chung là cận thị giả (pseudomyopia).

Học sinh tiểu học chiếm tỷ lệ cận thị giả tính cao nhất, do hậu quả của việc đọc sách hoặc viết chữ để quá gần mắt. Nguyên nhân là do sự co giật cơ bắp tác động lên cơ mi dây chằng thuỷ tinh thể dẫn đến cơ mất tác dụng điều tiết độ xa gần, không thể nhìn rõ cảnh vật ở xa và hình thành cận thị.

Cận thị giả tính không chỉ giới hạn ở trẻ nhỏ, ngay cả người lớn, sau khi sử dụng đôi mắt quá sức cũng sẽ gây cận thị. Lúc này, nếu được trị liệu hợp lý thì thị lực sẽ nhanh chóng phục hồi trở lại bình thường.

Cận thị giả tất nhiên có khác với cận thị thật. Thời kỳ đầu cận thị nhẹ nếu trị ngay, chắc chắn có thể bỏ được kính.

Giữ mắt trách mệt kết hợp với trị liệu

Do áp lực học hành, thăng tiến mà số người cận thị ngày càng tăng. Nhưng nếu có cách giải quyết sớm ngay từ giai đoạn bắt đầu bị cận thị giả tính, chắc chắn số lượng người cận thị sẽ giảm đáng kể. Ở giai đoạn bắt đầu bị cận thị giả tính, nếu giữ mắt tránh mệt mỏi đồng thời kết hợp trị liệu thì sẽ có khả năng phục hồi thị lực.

Trên bàn tay có 3 huyệt vị có thể trị cận thị giả. Huyệt có hiệu quả nhất là huyệt Lao cung (trên đường tâm đạo, thẳng khe ngón tay 3 và 4). Khi dùng mắt quá độ làm cho thị lực suy giảm, chỉ cần xoa bóp nhẹ huyệt này là có thể từ từ khôi phục thị lực.  Huyệt Uyển cốt Nhị Minh (chỗ lõm đầu mé trong lằn chỉ cổ tay, thẳng bờ ngoài ngón tay út xuống),  gần cổ tay mé ngón tay út mu bàn tay cũng có thể trị liệu cận thị giả. Cuối cùng, Can kinh mất điều hòa cũng có thể gây ra bệnh về mắt, kích thích huyệt Can điểm (giữa lằn chỉ thứ 2 ngón tay áp út), trên ngón tay 4, hiệu quả trị liệu càng tốt.

Ngoài ra nên tác động thêm các huyệt: Hợp cốc (điểm cao giữa ngón tay cái và ngón trỏ), Đầu điểm (mô bụng ngón tay cái), Đại cốt không (mu bàn tay, giữa khớp giữa ngón tay cái).

Không thể ngay sau khi kích thích huyệt là có thể khôi phục thị lực mà cần một thời gian dài kiên nhẫn mới có được hiệu quả. Trong quá trình trị cần cố gắng cho đôi mắt được nghỉ ngơi, tránh dùng mắt quá nhiều. Mắt cộm: thêm Nhất phiến môn, Nhị gian; Nhìn vật thấy mờ: thêm Quỹ đương, Dương trì; Gặp gió chảy nước mắt: thêm Phượng nhãn, Tiểu cốt không (Xoa bấm huyệt bàn tay để phòng và trị bệnh).

Kích thích Khu Phản xạ: Trong liệu pháp xoa huyệt trên bàn tay, ngoài hai vị trí trị cận thị giả tính là Khu phản xạ Mắt (ngón giữa), khu Vai (dưới cuối ngón út), Khu phản xạ Khoang miệng, Khí quản nằm trên mu bàn tay (vùng huyệt Hợp cốc). Cần tập trung xoa kỹ ba khu phản xạ này.

Lưu ý: Do mắt chịu ảnh hưởng nhiều từ Can và Thận, vì vậy kích thích thêm Khu phản xạ Gan và Thận thì hiệu quả càng cao.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP