Rối loạn tiền đình là tình trạng tổn thương dây thần kinh số 8 và các đường kết nối của nó hoặc động mạch nuôi dưỡng não, làm gián đoạn quá trình dẫn truyền, xử lý thông tin của hệ thống tiền đình khiến cơ thể mất cân bằng, gây ra các triệu chứng như loạng choạng, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, buồn nôn…
Các huyệt quan trọng giải quyết triệu chứng tiền đình
Tiền đình là một phần của hệ thần kinh nằm phía sau ốc tai (hai bên), đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự cân bằng cho cơ thể, giúp điều khiển tư thế, điệu bộ, kết hợp với các bộ phận như thân, đầu, tay, chân, mắt,… khi cử động.
Dây thần kinh số 8 bắt đầu từ cầu não, vào xương đá và đi qua lỗ ống tai trong. Đây là đường truyền dẫn thông tin điều khiển hệ thống tiền đình giữ thăng bằng cho cơ thể.
Rối loạn tiền đình là tình trạng tổn thương dây thần kinh số 8 và các đường kết nối của nó hoặc động mạch nuôi dưỡng não, làm gián đoạn quá trình dẫn truyền và xử lý thông tin của hệ thống tiền đình. Ở người trẻ tuổi, các triệu chứng và ảnh hưởng của bệnh thường sẽ nghiêm trọng hơn ở người lớn tuổi.
![]() |
Rối loạn tiền đình - Ảnh Minh họa |
Khi cơn rối loạn tiền đình ập đến hãy day ngay các huyệt sau:
Huyệt Ngoại Quan: Bấm huyệt ngoại quan là một trong các cách bấm huyệt chữa rối loạn tiền đình hiệu quả. Với những người thường xuyên chóng mặt, ù tai, đau tai, đau đầu, huyệt Ngoại Quan chính là “vị cứu tinh” . Huyệt đạo này nằm ở mặt sau của cẳng tay, cách nếp gấp của cổ tay khoảng 3 đốt ngón tay. Để bấm huyệt Ngoại Quan đúng cách, bạn chỉ cần ấn nhẹ bằng ngón tay cái rồi day huyệt theo chiều kim đồng hồ.
![]() |
Vị trí huyệt ngoại quan - Ảnh minh họa BSCC |
Huyệt Bách Hội: Để giảm thiểu tình trạng chóng mặt, hãy ấn huyệt Bách Hội thường xuyên. Huyệt đạo này rất dễ tìm, ở ngay thẳng đỉnh đầu. Ấn huyệt Bách Hội không chỉ làm giảm đau đầu, chóng mặt mà còn có tác dụng cải thiện chứng đau mắt và cao huyết áp.
![]() |
Vị trí huyệt Bách Hội - Ảnh BSCC |
Huyệt Ế Phong: Nằm ở ngay vị trí xương chũm, ngay gần tai nên khi bấm huyệt sẽ cho tác động trực tiếp đến ống tai. Điều này giúp cải thiện tình trạng đau đầu, ù tai, điếc tai tạm thời. Mỗi khi bấm huyệt nên giữ từ 4 - 5 giây với lực vừa đủ rồi thả ra từ từ.
![]() |
Vị trí huyệt Ế Phong - Ảnh BSCC |
Huyệt Phong Long: Huyệt Phong Long có liên kết đến hệ tiêu hóa của con người, đặc biệt là dạ dày. Vì thế, khi bị hen suyễn, chóng mặt, đau đầu và xuất hiện nhiều đờm, nên bấm huyệt Phong Long từ 5 - 7 lần mỗi ngày. Để xác định huyệt Phong Long có thể đặt tay vào vị trí giữa đầu gối và mắt cá chân, ở mặt trước cẳng chân. Đây chính là vị trí chính xác của huyệt đạo này.
![]() |
Vị trí huyệt Phong Long - Ảnh BSCC |
Nhiều biến chứng nguy hiểm
Biểu hiện của rối loạn tiền đình gồm: Chóng mặt, choáng váng (như cảm giác mọi thứ quay cuồng); Mất thăng bằng hoặc dễ té ngã; Buồn nôn, nôn; Mệt mỏi, mất tập trung; Rối loạn thị lực (nhìn mờ, nhìn đôi); Ù tai, giảm thính lực (trong một số trường hợp)... nên ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống.
Đặc biệt, nguy hiểm khi bệnh gây ra các biến chứng hoặc rủi ro như: té ngã, đột quỵ và tai biến, trầm cảm... Vì vậy, cần đi khám để chữa trị kịp thời.
Có rất nhiều nguyên nhân gây rối loạn tiền đình như: Rối loạn chức năng tai trong: Viêm dây thần kinh tiền đình, bệnh Ménière, sỏi tai (các tinh thể canxi di chuyển sai vị trí trong tai); Rối loạn tuần hoàn máu não;
Tác dụng phụ của thuốc: Một số thuốc kháng sinh, thuốc chống trầm cảm, hoặc thuốc điều trị tăng huyết áp; Chấn thương đầu, cổ; Căng thẳng, lo âu kéo dài...
Vì vậy, việc chẩn đoán rối loạn tiền đình cần khám lâm sàng thần kinh, đo chức năng tiền đình (như nghiệm pháp Dix-Hallpike, VNG – Video nystagmography), chụp cộng hưởng từ (MRI) nếu nghi ngờ tổn thương não, xét nghiệm tai mũi họng, đo thính lực.
![]() |
Hệ thống tiền đình - Ảnh minh họa |
Điều trị bệnh tùy thuộc vào nguyên nhân, chủ yếu là điều trị nội khoa bằng thuốc và tập vật lý trị liệu và thay đổi lối sống: Tránh cử động đầu đột ngột; Nghỉ ngơi hợp lý, kiểm soát stress; Hạn chế rượu, caffein, thuốc lá; Uống đủ nước, đặc biệt trong thời tiết nóng hoặc khi đang dùng thuốc lợi tiểu...
Phẫu thuật chỉ thực hiện trong một số trường hợp hiếm: bệnh Ménière nặng, không đáp ứng điều trị nội khoa; phẫu thuật giảm áp tai trong, cắt dây thần kinh tiền đình.
Cách phòng ngừa, quản lý tiền đình lâu dài
Kiểm soát tốt các bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu.
Tập thể dục đều đặn (đi bộ, thái cực quyền, yoga).
Tái khám định kỳ với bác sĩ tai mũi họng hoặc thần kinh nếu triệu chứng kéo dài, bệnh tái phát.
ThS.BS Nguyễn Văn Thái (Viện Y học phóng xạ và Ung Bướu quân đội)