Y học và đời sống

Bài thuốc hạ mỡ máu bằng y học cổ truyền

Mỡ máu bao gồm 4 thành phần: cholesterol, triglyceride, phospholipid và axit béo tự do. Khi chỉ số 4 thành phần này cao hơn chỉ số cho phép gọi là mỡ máu cao hay máu nhiễm mỡ. Có nhiều cách điều trị, xin giới thiệu một số bài thuốc hạ mỡ máu bằng y học cổ truyền.

Bài thuốc hạ mỡ máu bằng y học cổ truyền như sau:

Thành phần: Gừng, tỏi, giấm táo, mật ong. Cách làm: Gừng rửa sạch cạo vỏ, tỏi bóc vỏ sạch. Tùy theo số lượng cần làm, cứ 2 phần tỏi, 1 phần gừng. Cho 2 vị này vào xay nhuyễn, sau đó cho dấm táo vào đun sôi để nguội. Giấm có tỷ lệ cứ 300g gừng tỏi thì dùng 300ml dấm táo. Khi dùng mỗi ngày 2 thìa cà phê trộn thêm 2 thìa mật ong, uống làm 2 lần trong ngày.

Theo sách cổ, gừng tươi gọi là sinh khương, gừng khô gọi là can khương. Gừng có vị cay, tính hơi ôn, có tác dụng phát tán phong hàn, ôn trung làm hết nôn, tiêu đờm, thải độc.

*Tỏi: Vừa là gia vị, là vị thuốc kháng sinh thảo dược. Tỏi có vị cay tính ôn, hơi có độc. Tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sát trùng tẩy uế, thông khiếu, tiêu nhọt, tiêu đởm, hạ mỡ máu, hạ huyết áp.

*Giấm táo: Giấm ngâm với táo mèo, có tên là sơn tra. Sơn tra có vị chua, ngọt, tính ôn. Chủ yếu tác dụng cho tiêu hóa và mạch  máu, tiêu mỡ máu, tiêu mỡ phủ tạng, kích thích tiêu hóa. Ngoài ra sơn tra còn phá được sự tích tụ dư thừa trong cơ thể, hành khí, hoạt khí. Rất tốt cho tim và chống xơ vữa động mạch.

*Mật ong: Là vị thuốc bổ từ xa xưa. Có vị ngọt, tính bình, đi vào các kinh tâm, tỳ, phế, vị và đại tràng. Tác dụng thanh nhiệt, bổ trung, nhuận táo, hoạt trường, giải độc, hạ mỡ máu. Chữa loét dạ dày, tá tràng, an thần, chữa ho khan và một số bệnh về thần kinh.

Ngoài uống vị thuốc này cần chú ý chế độ ăn uống tăng cường rau xanh và hoa quả. Giảm các món chiên xào, tăng các món hấp và luộc. Hạn chế ăn mỡ động vật, phủ tạng và thức ăn nhiều đạm. Tập thể dục thường xuyên, tiêu hao năng lượng để giảm cân. Kiên trì uống thuốc 3-6 tháng.

BS Kim Ngân

(Phòng khám phố Vĩnh Hồ, Hà Nội)

BẢN DESKTOP