Y học và đời sống

Bài thuốc Đông y chữa ho kéo dài lâu khỏi

  • Tác giả : TTND.Lương y giỏi Trần Văn Quảng
Đông y có những phương thuốc cổ nổi tiếng chữa ngoại cảm phong hàn (cảm cúm). Chữa ho, viêm phổi cần phải phục hồi sức khỏe của phổi và các tạng khác như tâm, tỳ, thận...

Bên cạnh các bệnh lý hô hấp kinh điển, xuất hiện nhiều bệnh lý mới liên quan đến đường hô hấp gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, nên cần biết để phòng ngừa.

Cảm cúm gây ho, viêm phổi nặng

Thời điểm giao mùa, thời tiết và độ ẩm không khí thay đổi thất thường khiến cơ thể không thích ứng kịp. Đây chính là môi trường thuận lợi cho virus, vi khuẩn gây bệnh hoạt động mạnh, bùng phát các bệnh đường hô hấp như: cảm cúm, viêm mũi họng, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi...

Đặc biệt, bên cạnh những bệnh lý hô hấp kinh điển, xuất hiện nhiều bệnh lý mới như COVID-19, các bệnh phổi liên quan...

Đông y có những bài thuốc cổ nổi tiếng chữa ngoại cảm phong hàn (cảm cúm) với các biểu hiện như: hắt hơi, sổ mũi, ho, khó thở, viêm họng, viêm phổi cấp...

Nhân sâm bại độc tán (Thái bình huệ dân hòa tễ cục phương) gồm: sài hồ, cam thảo, cát cánh, nhân sâm, xuyên khung, bạch linh, chỉ xác, tiền hồ, khương hoạt, độc hoạt mỗi vị đều 900g không có nhân sâm dùng đảng sâm thay thế. Các vị thuốc nói trên cùng tán thành bột thô (to). Mỗi lần uống 6g. Cho thuốc bột vào một chén nước to, thêm vài lát gừng sống (sinh khương), một ít bạc hà, đun sôi kỹ còn 7/10, bỏ bã. Người bệnh rét nhiều thì uống nóng, nóng nhiều thì uống nguội, uống ngày 2 lần.

Nếu dùng thuốc thang, liều lượng như sau: Khương hoạt 5g, độc hoạt 5g, sài hồ 5g, tiền hồ 8g, chỉ xác 5g, phục linh 10g, cát cánh 12g, xuyên khung 5g, cam thảo 5g, đảng sâm 10g, cho 3 lát gừng sống và 3g cam bạc hà cùng sắc lên uống: mỗi ngày 1 thang, chia làm 2 – 3 lần.

Công dụng: Ích khí giải biểu, tán hàn trừ thấp hóa đàm chỉ khái. Chủ trị: cơ thể hư nhược, ngoại cảm phong hàn, thấp tà, sợ lạnh phát nhiệt, nhức đầu không ra mồ hôi, xương khớp đau ê ẩm, ngạt mũi, nặng tiếng, ho có đờm.

“Hạnh tô tán”(Ôn bệnh điều biện) gồm: Tô diệp (lá tía tô) 6g, bán hạ chế 6g, tiền hồ 6g, cát cánh 6g, chỉ xác 5g, quất bì (trần bì) 6g, hạnh nhân 9g, phục linh 9g, sinh khương 2 lát, đại táo 3 quả, cam thảo 6g. Cho nước vào sắc hai lần, trộn vào nhau, chia làm 2 – 3 lần uống, ngày 1 thang.

Công hiệu: phát tán phong hàn, tuyên thông phế khí, hóa đàm chỉ khái. Chủ trị: cảm mạo phong hàn, trong kiêm đàm thấp, hơi nhức đầu, ho, đờm trắng loãng, ngạt mũi không ra mồ hôi, rêu lưỡi trắng, mạch phù hoặc huyền.

Lương y Trần Văn Quảng cắt thuốc cho bệnh nhân - Ảnh: NVCC

Lương y Trần Văn Quảng cắt thuốc cho bệnh nhân - Ảnh: NVCC

Thuốc phục hồi sau ho, viêm phổi

Theo Đông y, những người bị viêm phổi (phế viêm) cần phải phục hồi sức khỏe của phổi và các tạng khác như tâm, tỳ, thận... Bởi Đông y gọi tạng phế là Hoa cái (Hoa cái như cái mái che) ở trên cao nhất, có tác dụng che chở cho các tạng phủ khác. Tạng phế bị bệnh thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến vài ba tạng khác trong cơ thể như tâm, tỳ, thận. Do đó, phế bị bệnh không chữa trị kịp thời sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Đông y có một số bài thuốc cổ phương về tư bổ chân âm của phế, tâm, tỳ thận:

“Bách hợp cổ kim thang”(Y phương tập giải) gồm: sinh địa 6g, thục địa 9g, mạch môn đông 5g, bách hợp 3g, thược dược 3g, đương quy 3g, bối mẫu 3g, sinh cam thảo 3g, huyền sâm 3g, cát cánh 2g. Sắc nước uống, mỗi ngày 1 thang chia làm 2 lần. Công dụng: dưỡng âm thanh nhiệt, nhuận phế hóa đàm. Chủ trị: phế thận âm hư, hư hỏa thượng viêm, triệu chứng ho, suyễn thở, họng sưng đau, trong đờm có vấy máu hoặc khạc ra máu, tay chân phiền nhiệt, buồn bã, lưỡi đỏ rêu ít, mạch tế sác.

“Tư âm tiễn” (Cảnh nhạc toàn thư) gồm: Đại sinh địa từ 2 – 3 đồng cân, mạch môn, bạch thược dược, bách hợp, sa sâm mỗi vị 2 đồng cân, cam thảo 1 đồng cân, phục linh 1 đồng rưỡi (1 đồng cân = 3,7g). Sắc uống nước xa bữa ăn. Công hiệu: Tư âm sinh tân dịch, bảo vệ phế, thanh kim (phế kim). Chủ trị âm hư lao tổn, tướng hỏa bốc lên mạnh, tân dịch khô, phiền khát, ho, nôn ra máu, đổ máu cam, nhiệt nhiều.

Để dưỡng phế, trước hết về mặt sinh hoạt, phải “ngủ sớm, dậy sớm”, áo quần phải tăng, giảm hợp lý, làm cho cơ thể thích ứng được với sự thay đổi chuyển dần vào mùa đông giá lạnh. Thứ đến về mặt ăn uống phải ăn nhiều thức ăn ôn hòa, bổ nhuận như: Phổi lợn, lê, đường phèn, bách hợp, ngó sen, gà non, vịt già, thịt nạc, … Ít ăn các thứ cay nóng. Nên ăn nhiều củ cải, hạnh nhân, cháo ý dĩ… để thanh phế, giáng khí, hóa đờm.

Những người biết khí công, nên luyện một vài công pháp bổ dưỡng phế khí. Những người thể chất yếu nên lựa chọn cách bồi bổ bằng thuốc Đông y như: Hoàng kỳ, đẳng sâm, sa sâm, mạch đông, thục địa, đương quy…

Khi bị ho nên uống nhiều nước để đờm loãng ra. Có thể hít hơi nước nóng hoặc xông nước nóng. Tuyệt đối không nên hút thuốc lá, thuốc lào.

TTND.Lương y giỏi Trần Văn Quảng (Hội Đông y Việt Nam)

TTND.Lương y giỏi Trần Văn Quảng

BẢN DESKTOP