Môi trường

Bãi rác Khai Quang - Vĩnh Phúc: Tốn tiền nhưng vẫn ô nhiễm

  • Tác giả : Quách Dương
(khoahocdoisong.vn) - Bãi rác nằm giữa KCN Khai Quang, TP. Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc khoảng 10 năm nay. Đây là bãi rác tạm và gây ô nhiễm nặng, nhưng vẫn ngày đêm ngốn tiền ngân sách.

Bãi rác giữa khu công nghiệp

Khoảng trước năm 2008 - 2009, TP. Vĩnh Yên đang đổ rác ở một khu vực ngoài thành phố. Do ô nhiễm môi trường, người dân sống xung quanh bãi rác tập trung phản đối Công ty môi trường, chặn xe vào bãi rác. Sự việc căng thẳng kéo dài khiến hàng trăm tấn rác thải ùn ứ.

Lúc này, UBND TP. Vĩnh Yên đề nghị đơn vị quản lý KCN Khai Quang cho Công ty môi trường đổ rác vào một bãi đất trống nằm trong KCN. Khoảng đất trống nằm trong KCN Khai Quang có diện tích 2ha sau đó được sử dụng làm bãi rác tạm thời, nhưng nhiều người không ngờ bãi rác tạm này tồn lại tại đến 10 năm trời.

Từ bãi rác tạm ban đầu, đến nay giữa KCN Khai Quang mọc lên núi rác khổng lồ. Bãi rác này ngày đêm toả mùi hôi thối, ruồi muỗi đen kịt, nước đen ngòm… khiến khu vực xung quanh ô nhiễm nghiêm trọng.

Căng thẳng vì ô nhiễm môi trường khiến người dân nhiều lần phong toả bãi rác. Sự việc dằng co liên miên qua các năm liền khiến khu vực này trở nên bất ổn.

Hàng chục gia đình sống cách bãi rác chỉ đúng 1 hàng rào, trong khi đơn vị quản lý bãi rác, chính quyền địa phương không đạt được thoả thuận về phương án bồi thường, di dời đến nơi ở mới.

Phía những người chịu ảnh hưởng bởi ô nhiễm từ bãi rác Khai Quang cho rằng: Bãi rác không phù hợp quy hoạch. Đây chỉ là bãi rác tạm, theo lý thì không được phép tồn tại quá lâu chứ đừng nói đến chuyện tồn tại suốt 10 năm trời. Thêm nữa, giá đền bù đất đai, tài sản người dân cho rằng không thực tế. Nếu dùng số tiền ấy đi mua mảnh đất tương tự thì sẽ không được chứ đừng nói đến chuyện xây lại nhà cửa.

Sự tồn tại không phù hợp của bãi rác Khai Quang lại có thêm những diễn biến mới. Khi bãi rác tạm ùn ứ, chất cao như núi, thay vì nhanh chóng tìm vị trí khác phù hợp hơn thì năm 2018, cơ quan chức năng lại mở rộng thêm bãi rác tạm. Theo đó, sẽ có khoảng hơn 1ha nữa được mở rộng, tiếp giáp với bãi rác tạm cũ nằm trong KCN Khai Quang.

Áp lực về ô nhiễm tăng thêm. Khi xe đổ rác tiến vào khu vực mở rộng thì bị người dân một lần nữa ngăn chặn. Đến nay, xe rác lại tiếp tục đổ chồng chất lên bãi rác cũ.

Chính quyền địa phương 10 năm không giải quyết nổi bãi rác tạm

Ông Cao Đình Thi, PGĐ Công ty Cổ phần Xây dựng hạ tầng Vĩnh Phúc – Đơn vị quản lý KCN Khai Quang cho biết: Đã nhiều lần đơn vị quản lý KCN Khai Quang kiến nghị cơ quan chức năng đưa bãi rác đi nơi khác. Nhưng thực tế đến nay, bãi rác không những không nhỏ đi mà còn mở rộng cả về quy mô và mức độ ô nhiễm.

Phía UBND TP. Vĩnh Yên cũng có kế hoạch xây dựng khu xử lý rác thải khác. Nhưng thực tế đó chỉ là kế hoạch trên giấy, dự án chẳng thấy triển khai thực địa mà rác thì vẫn cứ đem về KCN chất cao như núi.

Phía UBND TP. Vĩnh Yên cũng nói đi nói lại nhiều lần về việc lập dự án khu xử lý rác thải tại Bình Xuyên hoặc một số khu vực khác. Nhưng thực tế đến nay dự án vẫn chưa thấy tiến triển gì.

Người dân sống quanh bãi rác Khai Quang từng nhiều lần tập trung ngăn chặn xe chở rác thải

Người dân sống quanh bãi rác Khai Quang từng nhiều lần tập trung ngăn chặn xe chở rác thải

Tiền đâu để xử lý rác?

Được biết, tiền để xử lý rác thải vào khoảng 76.000đ/1 tấn, được lấy từ ngân sách nhà nước. Nếu so với bãi rác Nam Sơn, Hà Nội thì chi phí này tại Khai Quang thấp hơn khoảng 7 ngàn đồng/ 1 tấn rác thải. 

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng khoan hãy nhìn vào số tiền xử lý nhiều hay ít. Hãy nhìn vào thực trạng bãi rác sẽ trực quan nhất. Theo thông tin từ cơ quan chức năng, bãi rác phải có hệ thống xử lý nước rỉ thải. Nhưng thực chất chỉ có các mương nước xung quanh chân bãi rác rồi đổ thẳng vào cống thoát nước chung của KCN. Nhiều lớp rác đổ đống chứ không san, gạt theo lớp rồi rải 1 lớp đất lên trên trước khi đổ lớp rác tiếp theo…

Như vậy, mỗi năm bãi rác tạm Khai Quang ngốn hàng tỉ đồng tiền ngân sách nhà nước, nhưng việc xử lý ô nhiễm lại chưa đạt hiệu quả khiến nhiều người bất bình. Trong khi người dân thì đã nghe lời hứa từ cơ quan chức năng Vĩnh Phúc từ 10 năm nay.

Quách Dương

BẢN DESKTOP