Lạc thạch đằng thường mọc ở rừng núi đá vôi Lạng Sơn, Lào Cai, Bắc Thái và một số nước Đông Nam Á. Lạc thạch đằng có vị đắng, tính hơi hàn, vào kinh tâm, can trừ phong thấp, mát huyết, giảm sưng nề. Chủ trị phong thấp ngưng trệ, biểu hiện như đau viêm khớp, co thắt các cơ và co rút gân. Cây chủ yếu có chứa chất aretiin, tracheloside, nortracheloside.
Lạc thạch đằng là loại dây leo, sống nhiều năm. Để làm thuốc nên chọn loại dây và lá bánh tẻ nhỏ bằng đầu đũa, lá nhỏ bằng móng tay, khi phơi khô dây có màu nâu, lá màu xanh nâu, thái lát phơi khô dùng dần. Ngày dùng 6- 15g. Dưới đây là một số bài thuốc.
- Chữa phong thấp ngưng trệ, biểu hiện như đau viêm khớp, co thắt các cơ và co rút gân: Lạc thạch đằng 16g, ngũ gia bì 14g, ngưu tất 14g, đỗ trọng 12g, tỳ giải 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
- Trị các chứng phong thấp đau nhức: Lạc thạch đằng 16g, hải phong đằng 40g, tô mộc 40g, ma hoàng 40g, ngũ gia bì 40g, tần cửu 40g, thục địa 40g. Đổ 2 lít rượu vào chưng khoảng nửa tiếng cho hỏa độc thoát bớt sau đó, tùy sức mà uống cho hợp.
- Chữa viêm họng, rát họng do nhiệt: Lạc thạch đằng 16g, qua lâu nhân 12g, cát cánh 8g, nhũ hương 8g, một dược 8g sắc uống.
- Trị đau khớp có sưng nóng đau (do thấp nhiệt): Lạc thạch đằng 14g, đương quy 12g, xuyên khung 12g, xích thược 12g, huyết rồng 12g, thổ phục 12g, ngưu tất 12g, cam thảo 6g sắc uống.
- Chữa họng sưng đau nuốt khó, có khi phát sốt (viêm họng cấp): Lạc thạch đằng 16g, qua lâu 14g, nhũ hương 10g, một dược 10g, xạ can 12g sắc uống.
- Chữa chân phù thũng, nhức mỏi: Lạc thạch đằng 18g, ý dỹ 20g, ngưu tất 16g, hà thủ ô 14g, đỗ trong 14g, tỳ giải 12g, cam thảo 12g sắc uống ngày 1 thang.
- Trị cơ thể đau nhức do phong thấp: Ma hoàng 12g, lạc thạch đằng 16g, ngưu tất 14g, đỗ trọng 14g, cam thảo 6g, ý dĩ 40g, trần bì 12g sắc uống ngày một thang.
Để làm thuốc nên thu hái vào mùa đông hoặc xuân, rửa sạch, phơi nắng và cắt thành đoạn nhỏ. Cành sống có thể hầm với rượu vang. Người có khí hư hàn, huyết không ứ trệ không nên dùng.
DS. Nguyễn Văn Hào (128 Nguyễn Tri Phương, Vũng Tàu)