Thời sự

Bác sĩ ngỡ ngàng với hàng nghìn viên sỏi trong túi mật bệnh nhân

  • Tác giả : Thúy Nga
Bệnh nhân 73 tuổi, đau quặn bụng thời gian dài đi khám được chẩn đoán sỏi túi mật gây viêm và sau phẫu bác sĩ ngạc nhiên vì chiếc túi mật nhỏ mà chứa hàng nghìn viên sỏi.

Ngày 22/6, một bệnh nhân nữ 73 tuổi có triệu chứng đau quặn vùng bụng trong thời gian dài, đã đến khám BS Trần Kiên Quyết - Trưởng khoa Phẫu thuật tiêu hóa bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn.

Sau quá trình hỏi bệnh và thăm khám, bệnh nhân được chẩn đoán sỏi túi mật gây viêm và có chỉ định phẫu thuật sớm.

Sau phẫu thuật, kết quả khiến tất cả ngỡ ngàng, hàng nghìn viên sỏi nhỏ chứa trong một túi mật có kích thước chưa bằng một quả trứng ngỗng.

Bác sĩ ngỡ ngàng với hàng nghìn viên sỏi trong túi mật bệnh nhân

Bác sĩ ngỡ ngàng với hàng nghìn viên sỏi trong túi mật bệnh nhân

Các chuyên gia cho biết, sỏi mật là một trong các bệnh về đường tiêu hóa, xảy ra khi có sự xuất hiện của sỏi cholesterol, sỏi sắc tố mật hoặc sỏi hỗn hợp trong túi mật và hệ thống đường dẫn mật trong gan, ống mật chủ.

Khoảng 80% sỏi mật chủ yếu là do lượng cholesterol ở trong dịch mật gia tăng quá mức, vượt quá khả năng hòa tan của muối mật. 20% còn lại có thể gặp sỏi sắc tố mật liên quan đến nồng độ cao bất thường của sắc tố mật bilirubin.

Bình thường túi mật sẽ dự trữ dịch mật giúp tiêu hóa chất béo trong thức ăn từ gan. Khi chúng ta ăn, túi mật thực hiện chức năng bằng cách co bóp và tiết mật vào ruột non.

Tuy nhiên, nếu chức năng gan suy giảm, vận động đường mật kém gây ứ mật hay có tình trạng viêm thì các thành phần trong dịch mật sẽ bị xáo trộn và kết tụ tạo thành sỏi mật.

Sự xuất hiện của sỏi mật làm cản trở dòng chảy của dịch mật, tăng áp lực trong đường mật mỗi khi túi mật co bóp hoặc gây viêm, tổn thương đường mật, túi mật.

Sỏi mật có thể gây tắc nghẽn dịch mật thành từng đợt, nếu kéo dài sẽ dẫn đến viêm đường mật, túi mật (90% bệnh nhân bị sỏi đường mật nhập viện là do viêm đường mật, túi mật) cấp hoặc mạn tính, viêm tụy cấp, nặng hơn nữa là sốc do nhiễm trùng đường mật, hoại tử túi mật, viêm phúc mạc, nhiễm khuẩn huyết… Nếu không xử lý cấp cứu nhanh chóng, kịp thời, thậm chí có thể gây tử vong.

BS Trần Văn Phúc, Bệnh viện Xanh Pôn cho biết, có nhiều thói quen xấu gây bệnh bao gồm:

Bỏ bữa ăn sáng: Với những người túi mật hấp thu nước tốt, lại bỏ bữa ăn sáng, có thể làm cho dịch mật ở trong túi mật thời gian dài và cô đặc quá mức, dần dần hình thành sỏi.

Ăn uống mất vệ sinh: Nhất là thói quen ăn sống, thức ăn với quy trình sản xuất và bảo quản bẩn thỉu, khi ăn rửa không sạch, dẫn đến giun sán và viêm nhiễm đường mật túi mật, theo cơ chế tôi đã phân tích ở trên rất dễ tạo sỏi.

Ăn quá nhiều thực phẩm giàu cholesterol: Ví dụ ăn quá nhiều gan, lòng, nội tạng động vật, trứng cua, trứng cá… có hàm lượng cholesterol cao.

BS Trần Kiên Quyết lưu ý: Khi có các triệu chứng đột ngột xuất hiện cơn đau ở phía mạn sườn bên phải, ngay dưới vùng xương sườn, ở vai phải hoặc giữa 2 bả vai kèm theo:

- Buồn nôn và nôn mửa.

- Đổ mồ hôi, bồn chồn.

- Cơ thể mỏi mệt.

- Rối loạn tiêu hóa kèm sốt cao trên 38 độ, rét run.

Người bệnh cần được khám chuyên khoa tiêu hoá để chủ động điều trị sớm, trước khi dẫn đến những biến chứng nguy hiểm hơn.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP