Y học và đời sống

Bác sĩ mách nhóm nguy cơ ung thư tuyến giáp nên tầm soát

  • Tác giả : ThS.BS Nguyễn Xuân Tuấn
Ung thư tuyến giáp có thể chữa khỏi nếu phát hiện và có phương pháp điều trị hiệu quả ở giai đoạn sớm. Do vậy việc hiểu rõ về bệnh, chủ động phát hiện sớm rất có ý nghĩa.

Ung thư tuyến giáp có thể chữa khỏi nếu phát hiện và có phương pháp điều trị hiệu quả ở giai đoạn sớm. Hiểu biết về ung thư tuyến giáp, các yếu tố nguy cơ sẽ giúp chúng ta biết cách phòng ngừa, nhận biết sớm, chủ động tầm soát định kì sẽ giúp ích rất nhiều cho chúng ta trong việc phát hiện và điều trị loại ung thư này.

Các thể của ung thư tuyến giáp - Ảnh minh họa

Các thể của ung thư tuyến giáp - Ảnh minh họa

Các nhóm nguy cơ dẫn đến ung thư tuyến giáp gồm:

Giới và tuổi tác

Vì những lý do không rõ ràng (có thể liên quan nội tiết), tỷ lệ mắc ung thư tuyến giáp ở phụ nữ (giống như hầu hết các bệnh về tuyến giáp) cao gấp khoảng 3 lần so với nam giới.

Ung thư tuyến giáp có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng nguy cơ lên ​​đến đỉnh điểm sớm hơn đối với phụ nữ (thường xuyên ở độ tuổi 40 hoặc 50 khi được chẩn đoán) so với nam giới (thường được chẩn đoán ở độ tuổi 60 hoặc 70).

Bệnh lý di truyền

Một số bệnh lý di truyền và tiền sử gia đình có liên quan đến với các loại ung thư tuyến giáp khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết những người phát triển bệnh ung thư tuyến giáp không có bệnh lý di truyền hoặc tiền sử gia đình có người mắc bệnh này.

Ung thư tuyến giáp thể tủy: Khoảng 2 trong số 10 ung thư biểu mô tuyến tủy (MTC) là do gen bất thường. Những trường hợp này được gọi là ung thư biểu mô tủy của tuyến giáp (medullary thyroid carcinoma - FMTC). FMTC có thể xảy ra một mình hoặc nó có thể được phát hiện cùng với các khối u khác. Sự kết hợp của FMTC và các khối u của các tuyến nội tiết khác được gọi là đa u tuyến nội tiết týp 2 (Multiple Endocrine Neoplasia Type 2, MEN2).

Ung thư tuyến giáp khác: Những người mắc một số bệnh di truyền nhất định có nguy cơ mắc các dạng ung thư tuyến giáp phổ biến hơn. Tỷ lệ ung thư tuyến giáp cao hơn xảy ra ở những người có bệnh lý di truyền không phổ biến như:

Hội chứng polyp gia đình (Familial adenomatous Polyposis - FAP): Những người mắc hội chứng này có dấu hiệu phát triển nhiều polyp đại tràng và có nguy cơ ung thư ruột kết rất cao. Họ cũng có nguy cơ mắc một số bệnh ung thư khác, bao gồm ung thư tuyến giáp thể nhú. Hội chứng Gardner là một loại của FAP, trong đó bệnh nhân cũng có một số khối u lành tính. Cả hội chứng Gardner và FAP đều do khiếm khuyết trong gen APC.

Bệnh Cowden: Những người mắc hội chứng này có nguy cơ mắc các vấn đề về tuyến giáp và tăng trưởng lành tính nhất định. Họ cũng có nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến giáp, tử cung, vú, cũng như một số bộ phận khác. Ung thư tuyến giáp có xu hướng là loại nhú hoặc nang. Hội chứng này thường do khiếm khuyết trong gen PTEN.

Bệnh Carney complex (loại I): Những người mắc hội chứng này có thể phát triển một số khối u lành tính và gặp các vấn đề về hormone. Họ cũng có nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp nhú và nang. Hội chứng này do khiếm khuyết trong gen PRKAR1A.

Ung thư tuyến giáp không tuyến gia đình (Familial nonmedullary thyroid carcinoma): Loại ung thư tuyến giáp xảy ra thường xuyên hơn ở một số gia đình và thường được phát hiện khi còn rất trẻ. Hiện nay, các nhà khoa học đang nghi ngờ do đột biến các gen trên nhiễm sắc thể 19 và nhiễm sắc thể 1 gây ra loại ung thư này.

Tuyến giáp - Ảnh minh họa

Tuyến giáp - Ảnh minh họa

Tiền sử gia đình

Có người thân trực hệ (cha mẹ, anh trai, em gái hoặc con) bị ung thư tuyến giáp, thậm chí không có hội chứng di truyền trong gia đình, cũng sẽ làm tăng nguy cơ ung thư tuyến giáp của bạn. Cơ sở di truyền cho các trường hợp mắc ung thư này không hoàn toàn rõ ràng. Ngoài ra, cũng có thể do thói quen sinh hoạt giống nhau và cùng một môi trường sống.

Phóng xạ

Phơi nhiễm phóng xạ là một yếu tố nguy cơ đã được chứng minh nguyên nhân ung thư tuyến giáp. Nguồn phát xạ như vậy bao gồm một số phương pháp điều trị khoa và bụi phóng xạ do sự cố nhà máy điện hoặc vũ khí hạt nhân.

Có phương pháp điều trị xạ trị ở đầu hoặc cổ diễn ra ở trẻ là một yếu tố nguy cơ ung thư tuyến giáp sau này. Nguy cơ phụ thuộc vào mức độ phóng xạ và tuổi của trẻ. Nhìn chung, nguy cơ tăng lên khi dùng liều lớn hơn và trẻ càng nhỏ tuổi khi điều trị.

Trước những năm 1960, trẻ em đôi khi được điều trị bằng liều phóng xạ thấp cho những bệnh lý mà hiện nay không còn được sử dụng, như điều trị mụn trứng cá, nhiễm nấm da đầu hoặc phì đại amidan hoặc adenoids.

Nhiều năm sau, những người được điều trị này mới được phát hiện có nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp cao. Xạ trị trong thời thơ ấu đối với một số bệnh ung thư như ung thư hạch, khối u Wilms và u nguyên bào thần kinh cũng làm tăng nguy cơ. Ung thư tuyến giáp phát triển sau xạ trị không nghiêm trọng hơn các bệnh ung thư tuyến giáp khác.

Các chẩn đoán hình ảnh như chụp X-quang và chụp CT cũng cho trẻ em tiếp xúc với phóng xạ nhưng với liều thấp hơn nhiều, vì vậy không rõ những kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh này có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp đến mức nào (hoặc các bệnh ung thư khác).

Nếu có nguy cơ gia tăng thì có khả năng đó là rất nhỏ, nhưng để an toàn, trẻ em không nên thực hiện các xét nghiệm này, trừ khi chúng thực sự cần thiết. Khi cần thiết, trẻ chỉ nên được thực hiện bằng cách sử dụng liều phóng xạ thấp nhất mà vẫn cung cấp hình ảnh rõ ràng.

Một số nghiên cứu đã chỉ ra sự gia tăng nguy cơ ung thư tuyến giáp ở trẻ em do bụi phóng xạ từ vũ khí hạt nhân hoặc sự cố nhà máy điện. Ví dụ, ung thư tuyến giáp xảy ra cao hơn nhiều lần ở trẻ em sống gần Chernobyl, nơi xảy ra vụ tai nạn nhà máy hạt nhân năm 1986 khiến hàng triệu người bị nhiễm phóng xạ.

Người lớn tham gia dọn dẹp sau vụ tai nạn và những người sống gần nhà máy cũng có tỷ lệ ung thư tuyến giáp cao hơn các nơi khác. Trẻ em có nhiều iốt trong chế độ ăn uống dường như có nguy cơ thấp hơn.

Tiếp xúc với bức xạ khi bạn là người trưởng thành có nguy cơ thấp mắc bệnh ung thư tuyến giáp.

Thừa cân hoặc béo phì

Theo Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC), những người thừa cân hoặc béo phì có nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp cao hơn những người có cân nặng bình thường. Nguy cơ tăng lên khi chỉ số khối cơ thể (BMI) tăng.

Iốt trong chế độ ăn

Ung thư tuyến giáp phổ biến ở các khu vực trên thế giới có người dân ăn rất ít i ốt. Tuy nhiên, chế độ ăn nhiều iốt có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến giáp thể nhú. Ở Hoa Kỳ, hầu hết mọi người đều có đủ iốt trong chế độ ăn uống vì chất này được bổ sung vào muối ăn và các thực phẩm khác.

ThS.BS Nguyễn Xuân Tuấn (Giảng viên trường Đại học Y dược, Đại học TP HCM)

ThS.BS Nguyễn Xuân Tuấn

BẢN DESKTOP