Dữ liệu y khoa

Bác sĩ mách cách xử lý khi có dấu hiệu nhồi máu cơ tim

  • Tác giả : Thúy Nga
Nhồi máu cơ tim cấp là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở mọi độ tuổi, đặc biệt là những người mắc bệnh mạch vành. Vì vậy nhận biết sớm dấu hiệu của bệnh để có biện pháp xử trí kịp thời là rất quan trọng.

Dấu hiệu nhận biết nhồi máu cơ tim

ThS.Bs Tạ Văn Hải - Đơn vị Can thiệp Tim mạch - Trung tâm Tim mạch, bệnh viện Đa khoa Phú Thọ cho biết, nhồi máu cơ tim là một trong những bệnh lý về tim mạch khẩn cấp phổ biến và được xem là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong. Dấu hiệu nhồi máu cơ tim thường bị nhầm lẫn hoặc bỏ qua và cũng có thể là triệu chứng của nhiều bệnh khác. Dưới đây là những dấu hiệu giúp nhận biết cơn nhồi máu cơ tim có thể xảy ra:

Cơn đau thắt ngực: Đau như bị bóp nghẹt giữa ngực hoặc hơi lệch sang trái, có những trường hợp đau có thể lan ra cổ, cằm, vai, sau lưng, tay phải hoặc vùng thượng vị, cơn đau thường kéo dài nhiều phút và không giảm đi khi dùng Nitroglycerin. Đôi khi nhồi máu cơ tim có thể xảy ra mà không có hoặc ít cảm giác đau (gọi là nhồi máu cơ tim thầm lặng), đặc biệt phổ biến ở bệnh nhân sau phẫu thuật, người già, bệnh nhân có tiểu đường hoặc tăng huyết áp.

Ngoài cơn đau thắt ngực, còn có thể gặp các triệu chứng khác như: đổ mồ hôi, khó thở, cảm giác hồi hộp đánh trống ngực, buồn nôn hoặc nôn, lú lẫn…, rối loạn tiêu hoá cũng thường gặp trong trường hợp này.

Đột tử: Đột tử là trường hợp nặng nề nhất của nhồi máu cơ tim cấp, thường do tắc cấp mạch lớn (thân chung động mạch vành, động mạch vành phải).

Bác sĩ mách cách xử lý khi có dấu hiệu nhồi máu cơ tim ảnh 1

Bác sĩ mách cách xử lý khi có dấu hiệu nhồi máu cơ tim

Làm gì khi thấy người có dấu hiệu nhồi máu cơ tim?

Nếu biết cách sơ cứu đúng, có thể giảm thiểu tình trạng nhồi máu cơ tim và bảo toàn tính mạng cho người bệnh.

Nếu biết cách sơ cứu đúng, có thể giảm thiểu tình trạng nhồi máu cơ tim và bảo toàn tính mạng cho người bệnh.

Đầu tiên, cần ngừng ngay mọi hoạt động và nghỉ ngơi, có thể duy trì tư thế nửa nằm nửa ngồi với chỗ tựa lưng hoặc đầu thoải mái. Trong giai đoạn này, giữ tinh thần bình tĩnh, tránh căng thẳng và lo lắng là rất quan trọng.

Để người bệnh nhồi máu cơ tim với tư thế nửa nằm nửa ngồi với chỗ tựa lưng hoặc đầu thoải mái

Ngoài ra, các bác sĩ cũng khuyên bệnh nhân hít thở sâu và chậm, nới rộng quần áo. Nếu có thể, trong khi chờ đợi sự hỗ trợ y tế, cho người bệnh có thể sử dụng thuốc nitroglycerin đặt dưới lưỡi để giúp kiểm soát tình trạng sức khỏe.

Nhanh chóng đưa người bệnh đến các bệnh viện có chuyên khoa tim mạch để được thăm khám và phát hiện bệnh kịp thời.

Với những bệnh nhân đã được xác định mắc nhồi máu cơ tim, điều trị chuyên sâu tại các đơn vị chuyên khoa tim mạch là rất cần thiết. Yếu tố quan trọng nhất trong việc điều trị các cơn nhồi máu cơ tim là xác định nhanh chóng nhồi máu cơ tim và có can thiệp kịp thời chạy đua với thời gian để giải phóng mạch máu bị tắc nghẽn càng sớm càng tốt.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP