Y học và đời sống

Bác sĩ mách cách phòng bệnh đường hô hấp mùa đông xuân

  • Tác giả : BS Nguyễn Thanh Thủy
PGS.TS Phan Thu Phương, Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai đã chia sẻ một số lưu ý để đảm bảo an toàn không mắc bệnh đường hô hấp khi gặp mặt sau Tết và du xuân.

Thời điểm đông - xuân là cao điểm của một số bệnh lý đường hô hấp, trong khi dịch COVID -19 có dấu hiệu bùng phát trở lại. Vì vậy chúng ta cần chủ động có những biện pháp để nâng cao thể trạng, phòng chống bệnh tật để đón một mùa xuân thật ý nghĩa.

1. Tiêm loại vắc xin phòng ngừa

Thời tiết thay đổi từ mùa đông chuyển sang mùa xuân với độ ẩm cao, nhiệt độ thấp cộng thêm chức năng đề kháng của cơ thể bị suy giảm. Điều này khiến cho các loại vi trùng, virus, nấm mốc… phát triển mạnh mẽ gây nên các căn bệnh về đường hô hấp.

Vì vậy, cần tiêm vắc xin COVID-19 đầy đủ, cũng như tiêm các vắc xin phòng bệnh hô hấp như: tiêm vắc xin cúm hàng năm, vắc xin phế cầu mỗi 05 năm một lần.

2. Giữ khoảng cách với những người có biểu hiện bị bệnh đường hô hấp

Nguy cơ nhiễm khuẩn hô hấp cao hơn trong những không gian đông đúc và không đủ thông gió, trong gặp mặt đầu năm, lễ hội cổ truyền lại là dịp tụ họp quây quần, đây là một nét truyền thống trong văn hóa Á Đông.

Để làm cho môi trường của bạn an toàn nhất có thể: Cần tránh không gian kín, đông đúc và tiếp xúc gần. Khi gặp gỡ mọi người bên ngoài như tụ họp ngoài trời an toàn hơn so với trong nhà, nhất là khi không gian trong nhà nhỏ và không có lưu thông với không khí bên ngoài.

Bệnh đường hô hấp dễ gặp vào mùa Đông Xuân

Bệnh đường hô hấp dễ gặp vào mùa Đông Xuân

3. Đeo khẩu trang phù hợp và đúng cách

Đảm bảo khẩu trang che mũi, miệng và cằm. Rửa tay sạch sẽ trước khi đeo, trước và sau khi tháo ra và sau khi bạn chạm vào khẩu trang. Khi bạn tháo khẩu trang, để vào túi nilon sạch, giặt hàng ngày nếu là khẩu trang vải hoặc vứt vào thùng rác nếu là khẩu trang y tế.

4. Thường xuyên rửa tay sạch bằng dung dịch sát khuẩn có cồn hoặc bằng xà phòng và nước.

Rửa tay sau khi trở về từ nơi công cộng, trước và sau khi ăn uống, trước khi chuẩn bị thức ăn, sau khi xì mũi, ho, hay chạm vào động vật, sau khi thay tã lót cho em bé, sau khi xử lý rác thải, sau khi đi vệ sinh… là rất cần thiết để kịp thời loại bỏ vi rút cũng như vi khuẩn.

5.Tuân thủ vệ sinh đường hô hấp

Che miệng và mũi của bạn bằng khuỷu tay hoặc khăn giấy khi bạn ho hoặc hắt hơi. Vứt bỏ khăn giấy đã sử dụng ngay lập tức và rửa tay sạch sẽ thường xuyên.

Tuân thủ vệ sinh đường hô hấp cũng như các quy định kiểm soát nhiễm khuẩn, bạn sẽ bảo vệ những người xung quanh khỏi vi rút gây bệnh hô hấp như cúm và COVID-19.

6. Chế độ dinh dưỡng và luyện tập thể dục hợp lý

Bạn cần nhớ rằng, ăn uống hài hòa và đảm bảo dinh dưỡng sẽ giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng. Vì vậy, chúng ta cần ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Uống nước ấm, tránh ăn uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh.

Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không ăn tiết canh, không sử dụng gia cầm, động vật ốm chết và không rõ nguồn gốc để chế biến thực phẩm.

Khi gặp phải các vấn đề về hô hấp, cần đi khám với các chuyên gia Hô hấp giàu kinh nghiệm và có trình độ cao.

BS Nguyễn Thanh Thủy, Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai

BS Nguyễn Thanh Thủy

BẢN DESKTOP