Dữ liệu y khoa

Bác sĩ mách cách đơn giản để sơ cứu người say nắng, say nóng tại chỗ

  • Tác giả : Thúy Nga
Say nắng có thể xảy ra trong vòng vài phút và dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Nếu không xử trí kịp thời có thể dẫn tới di chứng thần kinh không hồi phục hoặc tổn thương đa cơ quan và tử vong.

Nắng nóng cao điểm gây sốc nhiệt

ThS.BS Hoàng Khánk Toàn, Nguyên chủ nhiệm khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện TƯQĐ 108 cho biết, tiết trời nóng bức, nhiệt độ và độ ẩm quá cao là điều kiện rất thuận lợi để phát sinh tình trạng say nắng, say nóng, đặc biệt đối với những người phải làm việc ở chỗ nóng (say nóng) hoặc chịu sự tác động trực tiếp của ánh nắng mặt trời (say nắng) quá lâu mà điều kiện bảo hộ lao động lại thiếu thốn hoặc không thích hợp.

Say nắng, say nóng hay còn gọi là sốc nhiệt (heat troke) là tình trạng tăng thân nhiệt nghiêm trọng (>40 độ C) kèm theo rối loạn hoạt động của các cơ quan như thần kinh, tuần hoàn, hô hấp.

Say nắng, say nóng là những hiện tượng thường gặp trong mùa hè, đặc biệt trong những ngày nắng nóng cao điểm, nhiệt độ tăng cao đột ngột.

Bác sĩ mách cách đơn giản để sơ cứu người say nắng, say nóng tại chỗ ảnh 1

Bác sĩ mách cách đơn giản để sơ cứu người say nắng, say nóng tại chỗ

Say nắng, say nóng được thường thể hiện ở hai mức độ : Nhẹ thì đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, tức ngực, lợm giọng, buồn nôn, khát nước, da nóng, không có mồ hôi, toàn thân mệt mỏi rã rời hoặc có biểu hiện bồn chồn, vật vã.

Nặng thì ngoài các triệu chứng trên còn có thêm sắc mặt nhợt nhạt, vã mồ hôi, chân lạnh, thậm chí xuất hiện hôn mê bất tỉnh, co giật tứ chi. Nếu không xử trí kịp thời có thể dẫn tới di chứng thần kinh không hồi phục hoặc tổn thương đa cơ quan và tử vong.

Cần xử lý cấp cứu kịp thời

ThS.BS Hoàng Khánh Toàn cho biết thêm, trong y học cổ truyền, say nắng say nóng được gọi là chứng Trúng thử với cơ chế sinh bệnh là do: trên cơ sở chính khí hư suy (giảm sức đề kháng), hai nhân tố gây bệnh là thử nhiệt hoặc thử thấp xâm nhập vào cơ thể, uất lại và nung đốt làm hao tổn âm dịch mà tạo thành bệnh.

Nếu nặng thì thanh khiếu bị che phủ, kinh khí bế tắc gây nên hôn mê, nếu tân dịch bị hao tổn quá nhiều thì phát sinh chứng hư thoát. Về mặt trị liệu, khi gặp tình trạng này phải hết sức nhanh chóng tiến hành các biện pháp sau đây:

- Khẩn trương đưa người bệnh đến chỗ râm mát, thoáng gió, cởi bỏ và nới rộng quần áo, cho uống một ít nước muối nhạt hoặc nước chín mát, dùng khăn thấm ướt nước lạnh hoặc rượu trắng lau các hốc tự nhiên như hõm nách, bẹn...

- Nếu nặng, bất tỉnh nhân sự thì lập tức dùng ngón tay cái lần lượt bấm mạnh huyệt Nhân trung và Thập tuyên.

Vị trí huyệt Nhân trung: ở điểm nối 1/3 trên với 2/3 dưới của rãnh nhân trung, giữa đáy rãnh. Vị trí huyệt Thập tuyên: ở đỉnh cao nhất giữa 10 đầu ngón tay. Bấm các huyệt này có tác dụng khai khiếu (làm thức tỉnh) và tiết nhiệt (thải nhiệt, giải nhiệt).

Sách Châm cứu khổng huyệt cập kỳ liệu pháp tiện lãm đã viết : "Thập tuyên là kỳ huyệt...dùng kim tam lăng hoặc kim lớn châm ra máu chủ trị tất cả các chứng mất thần cấp tính".

- Dùng gốc bàn tay day lòng bàn tay, lòng bàn chân và chỗ hõm giữa thắt lưng của người bệnh (có thể dùng một chút rượu trắng để xoa) sao cho tại chỗ nóng lên là được.

Trong tư thế bệnh nhân nằm sấp, xác định và day mạnh huyệt Đại chuỳ nằm ở ngay dưới chỗ lồi lớn của ụ xương cổ thứ 7. Sau đó Huyệt này có tác dụng thanh nhiệt và thông dương khí. Kinh nghiệm của cổ nhân thường phối hợp kích thích Thập tuyên với Đại chuỳ để trị sốt cao và chống say nắng.

- Nếu bệnh nhân đã tỉnh nhưng còn mệt thì dùng tay xoa, day và vê các ngón chân của người bệnh. Điều này rất có lợi vì như vậy tác động đến các huyệt vị như Ẩn bạch, Chí âm, Hành gian, Thái xung, Đại đôn, Lệ đoài, Túc khiếu âm. Kế đó, dùng ngón tay cái nhẹ nhàng day huyệt Thái dương và dọc theo hai lông mày với một lực vừa phải.

Ngoài ra, theo kinh nghiệm dân gian, người ta còn có thể chọn dùng một trong các biện pháp kích thích hồi tỉnh như: dùng lá hẹ tươi hoặc nga bất thực thảo tươi (cỏ the, cây cóc mẳn) hoặc gừng tươi hoặc tỏi tươi, rửa sạch, giã nát, ép lấy nước để nhỏ vào lỗ mũi; Dùng trầm hương và đàn hương đốt khói xông hai lỗ mũi...

Khi bệnh nhân tỉnh, có thể cho uống nước sắc lá sen, lá hoắc hương và lá hương nhu tươi. Chú ý: dù người bệnh đã tỉnh hẳn vẫn không nên cho trở lại làm việc trong điều kiện nắng nóng ngay mà phải được nghỉ ngơi trong một thời gian thích đáng.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP