Y học và đời sống

Bác sĩ mách cách chăm sóc đúng để thận ghép bền vững

  • Tác giả : Thúy Nga
Sau mổ, để đảm bảo chức năng thận ghép ổn định và lâu dài, việc tuân thủ nghiêm các hướng dẫn chăm sóc đúng cách đóng vai trò quan trọng.

Tuân thủ uống thuốc chống thải ghép

BSCKI Phạm Thanh Tùng, Phó khoa Hồi sức tích cực Nội, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí cho biết, ghép thận là một bước tiến vượt bậc trong điều trị bệnh thận mạn giai đoạn cuối, mang lại cơ hội sống khỏe mạnh và trở lại cuộc sống bình thường cho hàng nghìn người bệnh.

Tuy nhiên, để thận ghép hoạt động bền vững, người bệnh cần có kiến thức và ý thức chăm sóc sức khỏe đúng cách sau phẫu thuật:

Quan trọng nhất là người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ việc uống thuốc chống thải ghép. Cơ thể người nhận có xu hướng đào thải tạng ghép, nên việc sử dụng thuốc chống thải ghép rất quan trọng. Người bệnh cần uống thuốc đúng liều, đúng giờ và tuyệt đối không được tự ý ngừng thuốc, kể cả khi người bệnh cảm thấy sức khỏe đã ổn định.

Cùng với đó, người bệnh cũng cần tái khám đúng lịch hẹn để bác sĩ theo dõi chức năng thận, nồng độ thuốc trong máu và phát hiện sớm các biến chứng như nhiễm trùng hay dấu hiệu thải ghép.

Ca ghép thận cho bệnh nhân tại bệnh viện - Ảnh BVCC

Ca ghép thận cho bệnh nhân tại bệnh viện - Ảnh BVCC

Một lối sống lành mạnh đóng vai trò quan trọng. Người bệnh cần duy trì việc ăn uống cân bằng, ít muối, ít chất béo, giàu rau xanh và trái cây. Uống đủ nước và hạn chế các thực phẩm dễ gây nhiễm khuẩn như đồ tái, sống. Tránh xa rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích. Bên cạnh đó, người bệnh cần ngủ đủ giấc, hạn chế căng thẳng và duy trì vận động nhẹ nhàng phù hợp với khả năng.

Việc sử dụng thuốc chống thải ghép quan trọng, nhưng cũng có thể gây tác dụng phụ, như tăng huyết áp; tăng đường huyết hoặc mỡ máu; tổn thương gan, thận hoặc tủy xương; suy giảm miễn dịch dẫn đến dễ nhiễm trùng. Do đó, người bệnh cần theo dõi sát và thông báo cho bác sĩ nếu xuất hiện các triệu chứng như sốt, mệt mỏi bất thường, phát ban, tiểu ít, sưng phù hoặc rối loạn tiêu hóa kéo dài.

Tuân thủ nguyên tắc 3 sạch, 3 nhớ và 3 tránh

BSCKI Phạm Thanh Tùng nhấn mạnh, sau ghép thận, người bệnh dễ bị nhiễm trùng do miễn dịch suy giảm, để phòng ngừa vấn đề này người bệnh tuân thủ theo nguyên tắc “3 sạch và 3 tránh”.

BSCKI Phạm Thanh Tùng, Phó khoa Hồi sức tích cực Nội, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí đang khám, kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân sau phẫu thuật ghép thận - Ảnh BVCC

BSCKI Phạm Thanh Tùng, Phó khoa Hồi sức tích cực Nội, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí đang khám, kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân sau phẫu thuật ghép thận - Ảnh BVCC

Nguyên tắc 3 sạch, giữ gìn vệ sinh cá nhân, cụ thể: Sạch tay, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, khi về nhà từ nơi công cộng; không sờ tay lên mặt, miệng, mắt nếu tay chưa sạch.

Sạch miệng - mũi - họng, đánh răng ít nhất 2 lần/ngày, súc miệng bằng nước muối sinh lý; đeo khẩu trang khi ra ngoài hoặc tiếp xúc với người khác. Sạch môi trường sống, dọn dẹp nhà cửa thường xuyên, mở cửa cho thông thoáng; tránh nuôi con vật trong phòng ngủ hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất thải của chúng.

Nguyên tắc 3 tránh, tránh nguy cơ nhiễm trùng, cụ thể: Tránh nơi đông người, nhất là trong mùa dịch bệnh; nếu bắt buộc phải đi, hãy đeo khẩu trang đầy đủ. Tránh thực phẩm sống, tái, không ăn rau sống, thịt tái, trứng sống, hải sản chưa chín kỹ. Tránh tiếp xúc với người đang bị cảm cúm, sốt, tiêu chảy hoặc các bệnh lây truyền; nếu người thân bị bệnh, hãy đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn.

Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần nhớ 3 điều quan trọng để chủ động phòng bệnh. Đó là nhớ tái khám định kỳ để phát hiện sớm dấu hiệu nhiễm trùng hoặc bất thường trong chỉ số máu. Nhớ uống thuốc đúng giờ, duy trì đều đặn giúp kiểm soát hệ miễn dịch và ngăn chặn biến chứng. Nhớ tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin phù hợp (như vắc-xin cúm, viêm gan B, phế cầu...), nhưng cần tham khảo ý kiến bác sĩ vì không phải vắc-xin nào cũng an toàn cho người ghép tạng.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP