Dữ liệu y khoa

Bác sĩ gia đình, người gác cổng cho toàn gia

  • Tác giả : An Quý
(khoahocdoisong.vn) - 2h sáng, ông T.H. (56 tuổi, TPHCM) hoang mang phát hiện một đoạn ruột lòi ra ngoài khi đi vệ sinh. Bệnh này là bệnh gì, tim mạch, bệnh lý ruột hay nội tiết… Xử lý ra sao? Có nên đi bệnh viện vào lúc 2h sáng hay đợi ngày mai?
TS.BS Võ Thành Liêm, Trưởng Đơn vị Phòng khám Bác sĩ Gia đình (Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch) đang tư vấn lập hồ sơ quản lý sức khỏe.

TS.BS Võ Thành Liêm, Trưởng Đơn vị Phòng khám Bác sĩ Gia đình (Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch) đang tư vấn lập hồ sơ quản lý sức khỏe. 

Bác sĩ ơi, tôi nên đi đâu khám?

“Người bệnh trên đã đến bệnh viện để khám. Sau đó bệnh nhân nhập viện và được chẩn đoán là thoát vị bẹn. Vì tiền sử bệnh nhân có mổ ruột thừa, thành bụng yếu nên ruột theo thời gian chèn ra ngoài”, TS.BS Võ Thành Liêm, Trưởng Đơn vị Phòng khám Bác sĩ Gia đình (Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch) chia sẻ.

“Khi có bất cứ vấn đề sức khỏe nào, người bệnh thắc mắc cần một người có chuyên môn, kiến thức y khoa tư vấn ngay lập tức là bệnh này như thế nào, điều trị thế nào, có cần cấp cứu hay không… chi phí dự kiến, cần đi đến bệnh viện nào, chuyên khoa nào tốt nhất, hiệu quả nhất. Bệnh nhân cần một “luật sư” riêng về y tế, hiểu rõ thân chủ như thế nào, nguy cơ sức khỏe, biết những vấn đề, những lo lắng, trách nhiệm…”, TS.BS Thành Liêm chia sẻ.

ThS.BS Nguyễn Tiến Hưng, giảng viên Bộ môn Y học Gia đình, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết thêm, bác sĩ gia đình là bác sĩ đa khoa tổng quát, chuyên môn rộng có thể tư vấn, thăm khám, điều trị, dự phòng và quản lý sức khỏe của người khỏe mạnh và người có các bệnh lý.

Trong cấu trúc lâm sàng y khoa, theo ThS.BS Nguyễn Tiến Hưng, dự phòng chiếm tỷ trọng 30 - 40%, điều trị chiếm 30 - 40% và còn lại là phục hồi. Như vậy, trên thực tế, 80% vấn đề sức khỏe thường gặp của người dân có thể được giải quyết bởi bác sĩ gia đình hay ở ngay tuyến chăm sóc y tế ban đầu - các phòng khám ngoại trú.

Bác sĩ gia đình có thể góp phần giúp giảm quá tải tại các khoa Khám bệnh của các bệnh viện hiện nay cũng như tiết kiệm chi phí cho xã hội (thời gian chờ đợi, chi phí di chuyển của bệnh nhân và gia đình). Hơn nữa, việc có mạng lưới bác sĩ gia đình hiệu quả có thể giúp các bác sĩ chuyên khoa sâu (Tim mạch, Thần kinh, Tiêu hóa…) có thể tập trung chăm sóc những ca bệnh nặng tại bệnh viện được tốt hơn.

Bác sĩ riêng: Chăm sóc sức khỏe liên tục, toàn diện

Thực trạng hiện nay, nhiều bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính, đi khám nhiều chuyên khoa được kê nhiều loại thuốc cùng một lúc có thể làm giảm hiệu quả điều trị, tương tác bất lợi, thậm chí gây nguy hiểm cho bệnh nhân, vì vậy cần có một người bác sĩ nắm rõ những vấn đề sức khỏe của từng cá nhân, tư vấn các hướng phù hợp và gửi bệnh nhân đến khám bác sĩ chuyên khoa khi cần thiết. Đó là bác sĩ gia đình.

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp, Phó Hiệu trưởng - Trưởng Phòng khám Đa khoa Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch chia sẻ: “Ngay từ lúc này; chúng ta nên chọn cho mình một bác sĩ mà mình có thể tin tưởng, có chứng chỉ hành nghề bác sĩ gia đình giúp quản lý sức khỏe cá nhân để được chăm sóc toàn diện và liên tục. Thiếu tính liên tục, bác sĩ trong một cuộc khám, khó đánh giá được tình trạng sức khỏe của bệnh nhân”.

Khi có vấn đề nhập viện điều trị, hồ sơ sức khỏe của bệnh nhân sẽ được bác sĩ gia đình trao đổi với bác sĩ trong bệnh viện với đầy đủ thông tin về mặt chuyên môn. (Ảnh minh họa)

Khi có vấn đề nhập viện điều trị, hồ sơ sức khỏe của bệnh nhân sẽ được bác sĩ gia đình trao đổi với bác sĩ trong bệnh viện với đầy đủ thông tin về mặt chuyên môn. (Ảnh minh họa)

Bác sĩ gia đình sẽ quan tâm đến việc trẻ nhỏ chủng ngừa có đầy đủ hay không? Người cao tuổi trong nhà mắc bệnh mạn tính có uống thuốc liên tục hay không? Lo lắng gì? Trầm cảm do đâu?...

Khi có vấn đề nhập viện điều trị, hồ sơ sức khỏe của bệnh nhân sẽ được bác sĩ gia đình trao đổi với bác sĩ trong bệnh viện với đầy đủ thông tin về mặt chuyên môn như trước đây dùng thuốc gì, dị ứng với loại nào… để xây dựng một phác đồ điều trị tốt nhất cho người bệnh.

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp, có những trường hợp đi khám là một bệnh nhân nam khoảng 50 tuổi mắc đái tháo đường, nhưng bữa ăn hằng ngày là do vợ nấu, vì vậy, bác sĩ gia đình không chỉ khám cho bệnh nhân và còn phải trao đổi với người thân, người vợ tránh những thực phẩm xấu và tăng cường thực phẩm tốt cho bệnh nhân này. Trong đái tháo đường, ăn uống và vận động hợp lý chiếm hết 80% hiệu quả điều trị.

Mục đích cuối cùng của y học không chỉ là điều trị khỏi bệnh mà còn làm sao giúp chất lượng cuộc sống của người dân tốt nhất, thoải mái nhất.

An Quý
Từ Khoá

BẢN DESKTOP