Dữ liệu y khoa

Bác sĩ chỉ rõ những quan niệm sai lầm về đột quỵ não

  • Tác giả : Thúy Nga
Hiện nay số người bị đột quỵ ngày càng tăng với độ tuổi ngày càng trẻ hóa. Đột qụy làm cho phần não bị thiếu oxy, tế bào não bị chết chỉ sau vài phút nhưng nhiều người vẫn còn có những quan niệm sai lầm về bệnh.

Theo BS Hoàng Bỉnh Khiêm, Khoa Cấp cứu và điều trị tích cực - Thần kinh đột quỵ - Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ cho biết, đột quỵ não hay còn gọi là tai biến mạch máu não, là tình trạng một phần não bộ đột ngột bị tổn thương khi mạch máu nuôi dưỡng phần não đó bị tắc (nhồi máu não) hoặc bị vỡ (xuất huyết não).

Đột qụy làm cho phần não bị thiếu oxy, tế bào não bị chết chỉ sau vài phút. Sau khi đột qụy xảy ra, mỗi phút trôi qua sẽ có gần 2 triệu tế bào não bị chết và làm người bệnh già hơn khoảng 3 tuần tuổi. Chính vì vậy, “thời gian chính là Não”. Người bệnh cần được điều trị càng sớm càng tốt và biện pháp điều trị duy nhất đó chính là “Tái tưới máu cho não” càng nhanh càng tốt.

Người bệnh bị đột qụy não có thể bị liệt, hôn mê và thậm chí tử vong. Tại Việt Nam, đột qụy không những là nguyên nhân gây tử vong mà còn gây tàn phế cho người bệnh, là gánh nặng về kinh tế cho gia đình và xã hội. Theo số liệu của Hội Đột qụy Thế giới, cứ 6 người sẽ có 1 người bị đột qụy. Ở Việt Nam, mỗi năm có 200.000 người bị đột qụy, tỷ lệ tử vong do đột qụy ở nam giới là 18% và ở nữ giới là 23%

Có nhiều nguyên nhân gây đột quỵ não nhưng đột qụy thường gặp ở những người bị đái tháo đường (nguy cơ gấp 4 lần so với người bình thường), tăng huyết áp (nguy cơ gấp 3 lần so với người bình thường), bệnh tim mạch (gấp 6 lần), rối loạn mỡ máu, những người béo phì, ít vận động, hút nhiều thuốc lá.

Mặc dù đột qụy não thường xảy ra ở những người cao tuổi, nhưng ngày nay có khoảng 25% ca đột qụy lại xảy ra ở những người trẻ tuổi. Đột qụy ở người trẻ đang có chiều hướng gia tăng đáng báo động: Tăng gần 50% trong vòng 12 năm qua. Đặc biệt đối với những người lạm dụng bia, rượu, thuốc lá, sử dụng các chất kích thích, tình trạng “béo phì văn phòng”...

Bác sĩ chỉ rõ những quan niệm sai lầm về đột quỵ não ảnh 1

Bác sĩ chỉ rõ những quan niệm sai lầm về đột quỵ não

Có rất nhiều quan niệm sai lầm về đột quỵ não như sau:

Đột quỵ chỉ xảy ra ở người cao tuổi

Trước đây đột quỵ thường xảy ra ở người lớn tuổi (trên 65 tuổi nhưng ngày nay đột quỵ có xu hướng ngày càng trẻ hóa, ở Việt Nam có khoảng 25% ca đột quỵ xảy ra ở người trẻ tuổi (dưới 40 tuổi). Nguyên nhân là do việc lạm dụng rượu, bia, thuốc lá và các chất kích thích, cùng với sự xuất hiện ngày càng nhiều tình trạng “béo phì văn phòng” làm gia tăng các vấn đề về bệnh lý tim mạch. Thăm khám sức khỏe định kỳ, kiểm soát bệnh lý nền là nền tảng sức khỏe.

Đột quỵ là một tình trạng hiếm gặp.

Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Bệnh lý tim mạch là nguyên nhân chính dẫn tới tử vong ở Việt Nam (21,7%) với khoảng 200,000 trường hợp mỗi năm. Những trường hợp bệnh lý tim mạch đặc biệt là những rối loạn liên quan đến nhịp có nguy cơ đột quỵ tăng gấp 5 lần so với người bình thường.

Người gầy không bị đột quỵ.

Thừa cân, béo phì là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới nhiều bệnh lý tim mạch, trong đó có đột quỵ. Tuy nhiên, dù gầy nhưng bạn vẫn sẽ nằm trong nhóm có nguy cơ bị đột quỵ nếu như bạn có một lối sống không lành mạnh, ít vận động và sử dụng các chất kích thích (rượu, bia, thuốc lá) hay bạn có mắc các bệnh lý mãn tính khác như rung nhĩ, cao huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu…

Trúng gió và đột quỵ là một.

Trúng gió (trúng phong) thể hiện trạng thái cơ thể bị nhiễm lạnh và cảm cúm. Trong khi đó, đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não là tình trạng xảy ra khi có sự ngưng trệ trong dòng máu dẫn đến việc cung cấp máu nuôi não bị gián đoạn từ đó dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng. Có thể phân biệt bằng quy tắc B.E.F.A.S.T

Không thể phòng ngừa đột quỵ.

Mọi lứa tuổi hoàn toàn có thể ngăn ngừa đột quỵ bằng cách thay đổi lối sống bao gồm tập thể dục, giảm cân và từ bỏ các chất kích thích (rượu, bia, thuốc lá). Đối với nhóm người đã mắc các bệnh mãn tính khác như rung nhĩ, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường thì việc tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ là yếu tố tiên quyết trong việc ngăn chặn cơn đột quỵ.

Người bị đột quỵ sẽ không còn nguy cơ bị đột quỵ nữa

Khoảng 26% bệnh nhân sau đột quỵ sẽ bị tái phát đột quỵ, tỷ lệ tái phát đột quỵ trong năm đầu tiên lên đến 11% vì vậy việc tuân thủ điều trị là cực kỳ quan trọng đối với nhóm người bệnh trên từ đó làm giảm nguy cơ tái phát đột quỵ giúp bảo vệ sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân.

Tập luyện thể thao liên tục giúp làm giảm nguy cơ bị đột quỵ

Tập thể dục luôn là phương pháp tốt để cải thiện sức khỏe giúp làm giảm các nguy cơ về đột quỵ. Tuy nhiên việc vận động quá sức hay thể thao quá độ khiến cho cho cơ thể bị mệt mỏi, làm phản tác dụng và đôi khi làm tăng các yếu tố về tim mạch cũng như dẫn tới đột quỵ. Vì vậy tập luyện thể thao hằng ngày lựa chọn môn thể thao phù hợp với sức khỏe và lứa tuổi.

Không thể phục hồi sau đột quỵ.

Bạn vẫn có thể hồi phục sau đột quỵ nếu như bạn được cấp cứu và điều trị kịp thời. Thời gian vàng trong cấp cứu điều trị đột quỵ là từ 0-6 giờ đầu sau khi bị đột quỵ. Nhận biết và thực hiện quy tắc B.E.F.A.S.T rất quan trọng giúp người bị đột quỵ được cấp cứu kịp thời, làm giảm tỉ lệ tử vong cũng như di chứng do đột quỵ gây ra.

Quy tắc B.E.F.A.S.T là cụm từ bao gồm 6 chữ cái, mỗi chữ mô tả một dấu hiệu nhận biết sớm đột quỵ:

B (BALANCE): Diễn tả triệu chứng khi bệnh nhân đột ngột mất thăng bằng, chóng mặt, đau đầu dữ dội và mất khả năng phối hợp vận động.

E (EYESIGHT): Thể hiện việc bệnh nhân bị mờ mắt (giảm thị lực) hoặc mất hoàn toàn thị lực của 1 hoặc cả 2 mắt.

F (FACE): Miêu tả sự biến đổi của khuôn mặt, bệnh nhân có thể bị liệt, méo miệng, nhân trung (đoạn nối giữa điểm dưới mũi đến môi trên) bị lệch, thể hiện rõ nhất khi bệnh nhân cười mở miệng lớn.

A (ARM): Bệnh nhân cử động khó hoặc không thể cử động tay chân, tê liệt 1 bên cơ thể. Cách xác nhận nhanh chóng nhất là yêu cầu bệnh nhân giơ 2 tay lên và giữ lại cùng 1 lúc.

S (SPEECH): Bệnh nhân khó nói, phát âm không rõ, nói dính chữ, nói ngọng bất thường. Bạn có thể kiểm tra bằng cách yêu cầu người nghi ngờ bị đột quỵ lặp lại một câu đơn giản bạn vừa nói.

T (TIME): Khi xuất hiện đột ngột các triệu chứng trên hãy nhanh chóng gọi 115 hoặc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP