Gia đình mới

Bác sĩ chỉ rõ nguyên nhân rối loạn nhịp tim ở phụ nữ có thai

  • Tác giả : BS Lê Đại Phong
Ở phụ nữ có thai, sự thay đổi sinh lý của hệ tim mạch và nội tiết có thể làm tăng nguy cơ rối loạn nhịp. Một số rối loạn nhịp có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi, cần điều trị kịp thời.

Rối loạn nhịp tim là tình trạng xảy ra khi tim đập không đều, có thể là quá nhanh (nhịp nhanh), quá chậm (nhịp chậm), hoặc không đều đặn.

Ở phụ nữ có thai, sự thay đổi sinh lý của hệ tim mạch và nội tiết có thể làm tăng nguy cơ rối loạn nhịp. Mặc dù phần lớn các trường hợp không nguy hiểm, một số rối loạn nhịp có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi, cần được phát hiện và điều trị kịp thời.

Nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim ở phụ nữ có thai

Sự thay đổi sinh lý trong thai kỳ:

- Khi mang thai, khối lượng máu tuần hoàn của phụ nữ tăng lên khoảng 40-50% để nuôi dưỡng thai nhi, gây áp lực lên tim.

- Nhịp tim của phụ nữ có thai cũng tăng khoảng 10-20 nhịp mỗi phút so với bình thường, dễ gây ra rối loạn nhịp.

- Thay đổi hormon, đặc biệt là progesterone, có thể ảnh hưởng đến hoạt động điện của tim, gây ra nhịp tim nhanh hoặc không đều.

Yếu tố nguy cơ khác:

- Thiếu máu do thai kỳ làm tăng khối lượng tuần hoàn và nhu cầu sắt của cơ thể.

- Tăng huyết áp thai kỳ hoặc tiền sản giật, có thể gây căng thẳng lên tim và dẫn đến rối loạn nhịp.

- Rối loạn điện giải, chẳng hạn như mất cân bằng kali hoặc magie do nôn nghén nhiều trong thai kỳ.

- Bệnh tim mạch tiền sử hoặc bệnh van tim, nếu có từ trước khi mang thai, có thể trở nên nghiêm trọng hơn trong thai kỳ.

Thăm khám cho thai phụ - Ảnh BVCC

Thăm khám cho thai phụ - Ảnh BVCC

Các triệu chứng của rối loạn nhịp ở phụ nữ có thai

Rối loạn nhịp tim ở phụ nữ mang thai có thể có các triệu chứng rất khác nhau, từ nhẹ và thoáng qua đến nặng và ảnh hưởng đến sức khỏe. Một số triệu chứng phổ biến bao gồm:

- Hồi hộp, cảm giác tim đập nhanh, mạnh hoặc rung.

- Chóng mặt, mệt mỏi, đôi khi có thể ngất.

- Khó thở, đặc biệt khi gắng sức hoặc trong tư thế nằm.

- Đau ngực, hoặc cảm giác tức ngực.

Các triệu chứng này thường có thể bị nhầm lẫn với những thay đổi bình thường trong thai kỳ, do đó việc chẩn đoán cần dựa trên các xét nghiệm cụ thể.

Các rối loạn nhịp phổ biến ở phụ nữ mang thai

-Nhịp nhanh xoang (sinus tachycardia): Đây là loại rối loạn nhịp phổ biến nhất trong thai kỳ và thường không gây nguy hiểm. Nhịp tim nhanh nhưng đều, thường tăng lên do căng thẳng, lo lắng hoặc hoạt động thể chất.

Rung nhĩ (Atrial fibrillation - AF): Rung nhĩ là tình trạng các buồng nhĩ tim co bóp không đều và hỗn loạn, làm tăng nguy cơ tạo cục máu đông. Rung nhĩ trong thai kỳ cần được theo dõi và điều trị cẩn thận.

Ngoại tâm thu (Premature complexes): Phụ nữ mang thai có thể gặp các nhịp tim ngoại tâm thu (nhịp tim sớm), thường là vô hại, nhưng nếu xảy ra thường xuyên, cần được theo dõi để loại trừ các vấn đề tim mạch tiềm ẩn.

Nhịp nhanh trên thất (Supraventricular tachycardia - SVT): SVT là nhịp nhanh xuất phát từ các buồng nhĩ hoặc nút nhĩ thất, gây ra cảm giác tim đập nhanh, đột ngột và kéo dài. Mặc dù không gây nguy hiểm ngay lập tức, nhưng cần kiểm soát tốt để tránh biến chứng.

Hội chứng Wolff-Parkinson-White không triệu chứng: Với loại đường phụ WPW không triệu chứng, theo dõi sát, đánh giá, không cần điều trị nếu không có những cơn tim nhanh.

Chẩn đoán rối loạn nhịp ở phụ nữ có thai

-Điện tâm đồ (ECG): Là công cụ quan trọng nhất để chẩn đoán các dạng rối loạn nhịp, giúp phát hiện nhịp tim bất thường.

- Holter điện tâm đồ: Thiết bị này theo dõi nhịp tim trong 24-48 giờ để xác định các rối loạn nhịp không liên tục.

- Siêu âm tim: Giúp đánh giá cấu trúc và chức năng của tim, loại trừ các bệnh lý tim mạch khác.

Điều trị rối loạn nhịp ở phụ nữ có thai

Việc điều trị rối loạn nhịp ở phụ nữ mang thai cần thận trọng để không ảnh hưởng đến thai nhi. Các phương pháp điều trị phổ biến bao gồm:

Thay đổi lối sống:

- Nghỉ ngơi đầy đủ, tránh căng thẳng, và tập thể dục nhẹ nhàng.

- Chế độ ăn uống lành mạnh, đủ dinh dưỡng để duy trì cân bằng điện giải và sức khỏe tim mạch.

Điều trị xâm lấn:

Trong một số trường hợp nặng như SVT không đáp ứng với thuốc, có thể cân nhắc phương pháp đốt điện (catheter ablation) sau tam cá nguyệt đầu tiên để kiểm soát nhịp.

Tuy nhiên, trong trường hợp này, can thiệp yêu cầu kỹ thuật viên kinh nghiệm, sử dụng hệ thống triệt đốt 3D, phương pháp đốt không chiếu tia (zero fluro) nhằm đảm bảo an toàn cho thai nhi.

Theo dõi và chăm sóc liên tục:

Các phụ nữ có bệnh lý rối loạn nhịp cần được theo dõi sát sao suốt thai kỳ và trong quá trình sinh nở để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con.

Lời khuyên cho phụ nữ có thai.

- Nếu phụ nữ có thai cảm thấy hồi hộp, khó thở, đau ngực hoặc bất kỳ triệu chứng bất thường nào về nhịp tim, họ nên đi khám bác sĩ để được kiểm tra.

- Phụ nữ có bệnh tim từ trước khi mang thai cần thông báo cho bác sĩ sản khoa để có kế hoạch theo dõi và điều trị tốt hơn.

Rối loạn nhịp tim ở phụ nữ có thai là một vấn đề y tế cần được theo dõi và điều trị thận trọng. Việc chẩn đoán sớm và điều trị đúng cách sẽ giúp bảo vệ sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi. Nếu có triệu chứng bất thường, phụ nữ mang thai cần đến gặp bác sĩ để được kiểm tra và nhận hướng dẫn điều trị thích hợp.

BS Lê Đại Phong (Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện TWQĐ 108)

BS Lê Đại Phong

BẢN DESKTOP