Thời sự

Bác sĩ chỉ rõ dấu hiệu viêm mũi tránh nhầm cảm cúm và cách chữa

  • Tác giả : Thúy Nga
Các triệu chứng của bệnh viêm mũi dị ứng khá dễ để nhận biết, song lại hay bị nhầm lẫn với các bệnh cảm cúm thông thường. Đó là lý do nhiều người chủ quan gây ra những biến chứng hết sức nguy hiểm

Theo TS.BS Nguyễn Quang Hùng – Trưởng khoa Tai – Mũi – Họng, bệnh viện hữu Nghị Việt Tiệp, Hải Phòng, với quốc gia có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa như Việt Nam thì viêm mũi dị ứng được biết đến là một bệnh lý khá phổ biến và thường gặp trong dân số nước ta, nhất là khi thời tiết giao mùa.

Viêm mũi dị ứng là tình trạng mũi bị kích thích và viêm niêm mạc (màng lót bên trong mũi) không phải do virus, vi khuẩn mà do người bệnh hít phải các dị nguyên (chất gây dị ứng) như: bụi, khói, lông động vật, tơ, phấn hoa, hóa chất,... và hắt hơi là một dạng phản ứng tự nhiên của cơ thể nhằm chống lại dị nguyên này.

Dấu hiệu, triệu chứng của viêm mũi dị ứng gồm:

Ngứa mũi: đây là phản ứng tự nhiên của cơ thể khi có các yếu tố dị nguyên xâm nhập vào mũi gây ngứa, tình trạng ngứa có thể kéo dài trong vài giờ hoặc vài ngày;

Hắt hơi: khi bị viêm mũi dị ứng, người bệnh hắt hơi thường xuyên, đôi khi hắt hơi thành tràng dài;

Chảy dịch mũi: nước mũi của người bệnh trong như nước mưa;

Nghẹt mũi: Tình trạng nghẹt thường xuất hiện khi bạn nằm ngủ khiến bạn khó thở, giấc ngủ kém sâu, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống;

Giảm khứu giác: lượng chất nhầy và dịch tiết quá nhiều gây ra triệu chứng nghẹt mũi, ảnh hưởng đến khả năng ngửi và phân biệt mùi của người bệnh;

Ù tai: khi bị viêm mũi dị ứng, dịch tiết và chất nhầy ở mũi bị tắc có thể tràn qua các lỗ thông nhau vùng tai – mũi – họng. Bởi vậy, người bệnh suy giảm thính lực, khó nghe, ù tai,…

Tránh nhầm lẫn biến chứng nặng

Các triệu chứng của bệnh viêm mũi dị ứng khá dễ để nhận biết, song lại hay bị nhầm lẫn với các bệnh cảm cúm thông thường. Đó là lý do nhiều người chủ quan không tìm cách giải quyết kịp thời, khiến bệnh tiến triển nặng hơn, gây ra những biến chứng hết sức nguy hiểm và làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh, Nguyên Viện trưởng Viện Tai Mũi Họng TƯ cho biết, bệnh viêm mũi dị ứng thường gây nên nhiễm khuẩn đường hô hấp như viêm phế quản, viêm mũi, viêm xoang, viêm tai giữa, đặc biệt là bệnh hen…Các bệnh này làm nặng thêm triệu chứng của viêm mũi dị ứng, do đó việc sử dụng kháng sinh có 1 ý nghĩa đặc biệt. Khi điều trị nội khoa không có kết quả cần có sự can thiệp về phẫu thuật.

Thanh toán căn nguyên gây bệnh, dùng thuốc để giảm các triệu chứng và miễn dịch liệu pháp.

Dùng biện pháp miễn dịch để thay đổi cách thức phản ứng về miễn dịch của người bệnh đối với chất gây dị ứng để giảm tính cảm thụ dị nguyên bằng phương pháp giảm mẫn cảm đặc hiệu (tiêm dị nguyên với liều nhỏ tăng dần). Biện pháp này đòi hỏi bệnh nhân cần kiên trì hợp tác cùng thầy thuốc chữa trị vì nó đòi hỏi nhiều thời gian, tối thiểu là trên 3 năm mới mang lại hiệu quả.

Thanh toán căn nguyên gây bệnh. Tránh tiếp xúc với dị nguyên: loại trừ nguồn gây bệnh mà ta xác định được (tránh tiếp xúc với dị nguyên). Tuy nhiên biện pháp này coi như khó thực hiện vì không dễ dàng chuyển đổi công việc mà bạn đang theo đuổi.

Điều trị triệu chứng: là dùng thuốc để giảm các triệu chứng dị ứng: (tây y + đông y).

- Kháng HISTAMINE uống: Tranh chấp với histamins ở thụ thể H1 có tác dụng giảm sự dãn mạch và giảm sự kích thích của các nhánh thần kinh cảm giác ở mũi tốt nhất nên uống trước khi tiếp xúc với kháng nguyên KN.

- Thuốc co mạch phun vào mũi: thường dùng: Naphazoline nitrate (Rhinex),

Xylometazoline HCl (Coldi) Không được dùng quá 7-10 ngày

Steroide phun trong mũi

+ Là loại thuốc có hiệu quả nhất trong điều trị viêm mũi dị ứng

+ Tác dụng nhanh lên các triệu chứng so với thuốc uống

+ Giảm tất cả các triệu chứng: ngứa mũi,chảy mũi, ngạt mũi, hắt hơi.

+ Sử dụng lâu dài còn có tác dụng phòng bệnh.

- Kháng sinh: giảm hiện tượng viêm do bệnh viêm mũi dị ứng thường gây nên nhiễm khuẩn đường hô hấp như viêm phế quản, viêm mũi, viêm xoang, viêm tai giữa, đặc biệt là bệnh hen… việc sử dụng kháng sinh có một ý nghĩa đặc biệt. Khi điều trị nội khoa không có kết quả cần có sự can thiệp về phẫu thuật.

Phẫu thuật có tác dụng giảm các gai kích thích tại chỗ như mổ vách ngăn, polýp, FESS…

Miễn dịch liệu pháp: bằng phương pháp giảm mẫn cảm đặc hiệu là dùng dị nguyên đưa dần vào cơ thể với liều tăng dần để để cơ thể có thể thích ứng với dị nguyên đó.

Miễn dịch liệu pháp đòi hỏi phải chẩn đoán chính xác dị nguyên đặc hiệu. Thời gian ≥ 5 năm. Kết hợp sử dụng các thuốc kích thích miễn dịch.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP