Người hút thuốc lá đái máu cần cẩn thận
Bàng quang là một cơ quan hình quả bóng ở vùng xương chậu, chứa nước tiểu. Theo đó, ung thư bàng quang là một loại ung thư có nguồn gốc từ bàng quang, chúng thường xuất phát từ các tế bào lót bên trong của bàng quang. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất ở người lớn tuổi.
Ung thư bàng quang là các khối ác tính. Đứng hàng thứ tư trong các ung thư đường tiết niệu. Nếu ung thư bàng quang được chẩn đoán ở giai đoạn sớm, khi đó, người bệnh có cơ hội điều trị khỏi bệnh là rất cao. Đa số ung thư phát hiện giai đoạn tại chỗ khoảng 60%, có khoảng 6% ung thư đã ở giai đoạn di căn.
Tuy nhiên, ngay cả ung thư giai đoạn sớm vẫn có khả năng tái phát. Vì lý do này, sau khi điều trị, những người bị ung thư bàng quang thường được theo dõi trong nhiều năm để phát hiện ung thư tái phát.
Hút thuốc lá, tiếp xúc với hóa chất như aniline… là yếu tố nguy cơ gây bệnh.
Biểu hiện:
+ Đái máu là triệu chứng hay gặp nhất. Đa phần là đái máu toàn bãi, một số đái máu cuối bãi, đái máu tái phát nhiều đợt.
+ Đau tức vùng hạ vị.
+ Các triệu chứng khác như tiểu buốt, tiểu rắt…
Các cận lâm sàng cần làm để chẩn đoán:
– Xét nghiệm cơ bản đánh giá thiếu máu, đông máu, chức năng gan thận, viêm gan B, C, HIV, nước tiểu.
– XQ phổi.
– Điện tim, siêu âm tim: đánh giá tình trạng tim mạch.
– Siêu âm hệ tiết niệu, cắt lớp vi tính đánh giá khối u, giai đoạn của bệnh.
– Soi bàng quang: đánh giá các khối u bàng quang về số lượng, vị trí, mức độ tiến triển trên bề mặt bàng quang, đánh giá niệu đạo và tuyến tiền liệt.
Dễ gây suy thận, tắc ruột
Ung thư bàng quang không được điều trị sẽ dẫn xâm lấn vào lỗ niệu quản 2 bên và tổ chức xung quanh. Hậu quả có thể gây chảy máu, suy thận, tắc ruột…
Tùy vào giai đoạn sẽ có chỉ định điều trị khác nhau:
Ung thư bàng quang nông: ( Ta-T1).
– Cắt u nội soi kết hợp với bơm hóa.
– Sau mổ cắt u nội soi 10 đến 15 ngày, bơm hóa chất vào bàng quang tránh tái phát.
– Hóa chất: BCG, Mytomycin, hoặc Dororubicin.
– Theo dõi tái phát là bắt buộc, dựa vào siêu âm, soi bàng quang, tìm tế bào ung thư trong nước tiểu. 2 năm đầu 3 tháng 1 lần, 2 năm sau 6 tháng 1 lần.
Ung thư bàng quang giai đoạn T2-T3:
– Cắt bàng quang bán phần hay toàn bộ.
– Phẫu thuật chuyển dòng nước tiểu sau cắt bàng quang có thể là:
+ Tạo hình bàng quang theo phương pháp Camey…
+ Tạo túi nước tiểu tự chủ: Kock…
+ Dẫn lưu nước tiểu qua quai hồi tràng ( Bricker).
+ Đưa niệu quản ra da.
Ung thư giai đoạn 4:
Kết hợp xạ trị và cắt bàng quang toàn bộ, đưa 2 niệu quản ra da.
Tất cả bệnh nhân dù giai đoạn nào đều được theo dõi sau mổ, điều trị xạ trị, hóa chất bổ sung. Theo dõi ung thư tái phát tùy vào giai đoạn cụ thể để có chỉ định điều trị phù hợp.
Phòng bệnh:
– Bệnh nhân uống ít nhất 2 lít nước/ngày.
– Không hút thuốc lá.
– Tránh tiếp xúc với các hóa chất nguy cơ ung thư bàng quang.
– Kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng 1 lần. Khi phát hiện ung thư bàng quang đến cơ sở chuyên khoa tiết niệu để điều trị.
BSCKII Lê Học Đăng, Khoa Phẫu thuật Tiết niệu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức