Dữ liệu y khoa

Bác sĩ chỉ rõ dấu hiệu phát hiện sớm ung thư tiền liệt tuyến

  • Tác giả : BS Hà Hải Nam
Ung thư tiền liệt tuyến đứng thứ 2 về loại mắc ung thư nhưng thường rất khó phát hiện. U dễ di căn tới gan, phổi,... nhưng nếu điều trị sớm bệnh có thể sống nhiều năm. Vì vậy, cần nhận biết các triệu chứng để thăm khám kịp thời.

Tuyến tiền liệt nằm dưới bàng quang, phía trước trực tràng. Nó bao quanh niệu đạo-ống dẫn nước tiểu nằm bên trong dương vật, qua đó nước tiểu và tinh dịch được thoát ra ngoài.

Theo thống kê trên toàn thế giới năm 2020, ung thư tiền liệt tuyến đứng thứ 2 về tỷ lệ mắc mới với gần 1,5tr người, chỉ sau ung thư phổi. Thống kê về tỉ lệ mắc và tử vong tại Mỹ đều có dấu hiệu tăng vọt.

Bệnh có sự phát triển chậm, khá âm thầm, đa số người mắc ung thư tiền liệt tuyến ở giai đoạn sớm có thể sống nhiều năm. Nhưng nếu bệnh ở giai đoạn muộn sẽ di căn rất nhanh chóng và có thể tử vong.

Ung thư tiền liệt tuyến đặc biệt hay di căn vào xương và các hạch bạch huyết, gây đau đớn và đi tiểu khó, khiến nam giới gặp vấn đề trong quan hệ tình dục, rối loạn chức năng cương dương.

Giai đoạn sớm ung thư tiền liệt tuyến thường rất khó phát hiện. Bệnh nhân có thể được phát hiện tình cờ thông qua xét nghiệm chất PSA trong máu hoặc siêu âm. Khối ung thư càng lớn sẽ gây chèn ép vào niệu đạo làm cho người bệnh khó tiểu, tiểu dắt, phải rặn.

Bệnh nhân có thể bị rát, tiểu ra máu, thậm chí bí tiểu hoàn toàn, gây đau vùng bụng dưới, bàng quang căng to. Giai đoạn muộn, khối u có thể di căn đến các vùng xa hơn của cơ thể như cột sống thắt lưng hay xương chậu gây đau vùng lưng -chậu, di căn gan, gây đau bụng và vàng da, di căn phổi gây đau ngực và ho nhiều.

Xét nghiệm PSA kháng nguyên đặc hiệu tiền liệt tuyến

Xét nghiệm PSA kháng nguyên đặc hiệu tiền liệt tuyến

Do đó, các chuyên gia đều thống nhất, phát hiện sớm là biện pháp tích cực nhất trong việc kiểm soát bệnh. Các triệu chứng của ung thư tiền liệt tuyến bao gồm:

Đi tiểu khó: Đó là cảm giác mót tiểu nhưng lại không thể đi được hoặc đang tiểu phải dừng lại đột ngột. Khối u ở vị trí này có thể gây trở ngại khi đi tiểu hoặc xuất tinh.

Đau khi đi tiểu: Hiện tượng này có thể là do có khối u tuyến tiền liệt chèn ép lên niệu đạo. Đây cũng là một triệu chứng của viêm tuyến tiền liệt.

Tiểu ra máu đỏ tươi: Dấu hiệu này ít gặp hơn, nhưng lại là lý do để các bác cần đi khám nam khoa ngay. Đôi khi chỉ là một dây máu hoặc tiểu màu hồng nhạt.

Khó khăn trong việc duy trì cương cứng: Khối u tuyến tiền liệt có thể ngăn lưu lượng máu đến dương vật, để giúp cương cứng, từ đó dẫn đến khó xuất tinh.

Xuất tinh có máu: Thường chúng ta ít để ý tới dấu hiệu này,vì lượng máu chỉ đủ để làm cho tinh dịch hơi hồng hoặc có vệt. Có thể có hiện tượng đau khi xuất tinh.

Táo bón mạn tính hoặc khó đi ngoài: Tuyến tiền liệt nằm bên dưới bàng quang và trước trực tràng. Do đó, khối u ở vị trí này có thể gây chèn vào trực tràng khiến người bệnh có thể có cảm giác đi ngoài khó.

Đau vùng hông lưng: Đây là dấu hiệu phổ biến của ung thư tiền liệt tuyến. Để phân biệt với đau thần kinh tọa và đau lưng thấp là người bệnh cảm thấy cơn đau âm ỉ tại hông lưng chứ không đau dọc từ lưng xuống chân như đau thần kinh toạ.

Tiểu đêm: Nếu phải thức dậy nhiều hơn một lần trong đêm để tiểu tiện thì cần phải đi kiểm tra ngay tuyến tiền liệt.

Tiểu rắt: Một vài người bệnh có tình trạng rò rỉ nước tiểu không thể tự chủ. Tuy vậy, triệu chứng này ít gặp.

Nam giới > 50 tuổi và có yếu tố di truyền: Tiền sử gia đình có bố mắc ung thư tuyến tiền liệt hoặc chúng ta đang thừa cân, chế độ ăn giàu dầu mỡ và nghiện thuốc lá, đó chính là những yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt. Đặc biệt, nếu trong gia đình có người mắc ung thư vú thì chính chúng ta cũng có thể mang gen bị lỗi làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt.

Đàn ông từ 40 tuổi trở lên nên tầm soát ung thư tiền liệt tuyến định kỳ mỗi năm một lần nhằm phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm. Nếu kết quả xét nghiệm nghi ngờ có bệnh, các thăm khám tầm soát tiền liệt tuyến bao gồm khám bằng tay và đo chất PSA (kháng nguyên đặc hiệu của tiền liệt tuyến) sẽ cần được thực hiện để chẩn đoán bệnh.

BS Hà Hải Nam (Bệnh viện K)

BS Hà Hải Nam

BẢN DESKTOP