KHOẺ ĐẸP

Bác sĩ chỉ rõ 10 nguy cơ nếu lạm dụng rượu

  • Tác giả : ThS. BSCKII Hà Hải Nam
Không chỉ mỗi ngày bệnh viện K có hàng trăm người nhập viện vì ung thư thực quản, ung thư gan, ung thư dạ dày... mà rượu còn gây ra rất nhiều các nguy cơ và bệnh tật nguy hiểm khác, chúng ta cần phải biết để phòng ngừa.

Cảm lạnh dẫn tới tử vong

Trước tiên, rượu làm giãn các mạch máu, đặc biệt là các mạch máu bên ngoài. Điều đó lí giải vì sao sau khi dùng đồ uống có cồn, chúng ta lại có cảm giác ấm lên.

Sau khi uống rượu, việc điều chỉnh nhiệt lượng tự nhiên của cơ thể không còn hiệu lực, do cồn còn có tác dụng ức chế thần kinh, nên không còn cảm nhận được cảm giác lạnh. Từ đó có thể dẫn đến lạnh cóng mà chết.

Truỵ mạch, nhồi máu cơ tim dẫn tới đột tử

Thức uống này làm cho cơ tim bị thoái hóa, có thể gây ra suy tim. Dùng rượu mạnh thời gian dài có thể gây giãn cơ tim, phì đại tâm thất và xơ hóa. Bên cạnh đó cũng gây cao huyết áp.

Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ lớn của đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Và cuối cùng, thức uống này cũng ảnh hưởng đến giấc ngủ, do vậy càng làm tăng huyết áp.

Ảnh hưởng não bộ

Khi uống một lượng lớn sẽ khiến bộ não của chúng ta không còn kiểm soát, điều chỉnh được các hoạt động của các trung tâm dưới vỏ.

Từ đó gây ra các hành động tiêu cực của người uống như đi đứng loạng choạng, phản ứng chậm, mất kiểm soát lời nói, hành động, suy giảm trí nhớ và tinh thần không ổn định. Rất nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra vì não mất kiểm soát hành vi do rượu.

Tác hại với gan

Khi thức uống này vào cơ thể nó được hấp thụ nhanh với 20% hấp thu tại dạ dày, 80% tại ruột non (sau 30-60 phút toàn bộ rượu được hấp thu hết). Sau đó, được chuyển hóa chủ yếu vào tại gan (90-95%).

Trong quá trình này, gan phải hứng chịu một đợt tấn công của rất nhiều độc tố. Khi đó, chức năng thải độc của gan bị suy giảm, dẫn đến việc gan bị nhiễm mỡ, xơ gan, và nghiêm trọng hơn, nó có thể gây ra ung thư gan.

Tác hại đến thực quản-dạ dày

Cồn trong rượu tác động trực tiếp lên niêm mạc thực quản, dẫn tới biến đổi niêm mạc, từ đó dẫn tới ung thư thực quản, nhất là đoạn thực quản cao.

Khi uống vào trong cơ thể sẽ bị phân hủy từ ethanol thành các acetaldehyde (chất rất độc) có thể gây kích thích niêm mạc dạ dày, khiến cho nó tiết nhiều acid tiêu hóa, dẫn đến viêm loét dạ dày.

Khi rượu và cả acid tích tụ trong dạ dày, bạn có thể thấy buồn nôn và nôn, suy giảm chức năng cơ thắt dưới thực quản, dẫn tới trào ngược dạ dày – thực quản.

Tác hại với tuỵ dẫn tới gây tiểu đường, ung thư:

Thông thường, tụy là nơi sản xuất insulin, giúp điều hòa nồng độ đường trong máu và một số hormon khác giúp ruột tiêu hóa thức ăn.

Khi uống nhiều rượu, quá trình sản sinh các chất này sẽ bị gián đoạn hoặc bất thường. Các độc chất tích tụ vào tụy dẫn tới viêm tụy.

Lâu ngày, tuyến tụy bị mất chức năng, không thể tạo ra insulin, bạn sẽ bị mắc tiểu đường . Đồ uống này cũng làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tụy.

Tăng nguy cơ mắc bệnh Gout

Gout là hiện tượng thừa acid uric, tích tụ ở các vị trí: ngón chân cái, mắt cá chân, đầu gối khiến cho việc đi lại, sinh hoạt hết sức khó khăn. Lạm dụng rượu quá mức dần dần làm suy gan và thận khiến cơ thể không có khả năng loại bỏ độc tố và các chất độc hại, trong đó có acid uric khiến bạn có nguy cơ mắc bệnh Gout cao hơn.

Loãng xương, tiêu cơ bắp

Rượu làm giảm lượng canxi trong cơ thể, giảm sản xuất các hormone tăng trưởng, ngăn chặn quá trình hình thành tế bào xương mới. Khi đó, bạn sẽ dễ bị loãng xương.

Chất cồn sẽ hạn chế máu đến cơ bắp, theo thời gian sẽ khiến bạn bị teo cơ bắp và yếu hơn

Ảnh hưởng đến cơ quan sinh sản

Đối với nam giới, nồng độ cồn trong máu từ 8 -10 g/100cc gây giãn mạch máu, gây cản trở quá trình quan hệ, đặc biệt nó còn làm giảm chất lượng tinh trùng dẫn tới khó thụ thai .

Đối với nữ giới, nghiện rượu gây suy yếu vùng hạ đồi – tuyến yên, buồng trứng dẫn đến trứng không rụng nữa, rối loạn kinh nguyệt, giảm khả năng sinh sản, nguy cơ sinh non…

Ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của cơ thể:

Rượu có thể “giết chết” tế bào bạch cầu cơ thể tạo ra để chống lại bệnh tật, phá hủy hệ thống miễn dịch của cơ thể, nhất là thời điểm chúng ta cần tăng miễn dịch với các bệnh truyền nhiễm, như Covid-19 chẳng hạn .

Do vậy, uống rượu thường xuyên trong thời gian dài sẽ dễ bị viêm phổi hoặc lao, và như đã nói ở trên, là rất nhiều bệnh ung thư.

Rượu bia có tác hại rất lớn đối với cơ thể, là một trong mười nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Vì vậy, vì sức khỏe của bản thân và gia đình, chúng ta nên có một lối sống lành mạnh, khoa học.

ThS.BSCKII Hà Hải Nam (Phó trưởng khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K)

ThS. BSCKII Hà Hải Nam

BẢN DESKTOP