Vị trí đổ thải đoạn qua đèo Thẳm Thưa xã Đồng Phúc, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. |
Nhận được tin báo của nhân dân, cuối tháng 12/2023 tổ công tác của UBND xã Đồng Phúc, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn có mặt kiểm tra hiện trường, kiểm tra và lập biên bản vi phạm, xác định Công ty Cổ phần xây dựng dịch vụ và thương mại 68- đơn vị thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể đã thuê ông Lê Quang Dũng (thường trú tại xã Quân Hà, huyện Bạch Thông) dùng ô-tô chở đất, đá thải đi đổ. Ông Dũng đã tự ý đổ đất, đá gây thiệt hại gần 5.000m2 rừng tự nhiên khoanh nuôi tái sinh.
Cụ thể, vị trí rừng bị thiệt hại là rừng tự nhiên tại lô 17, khoảnh 4, tiểu khu 102, thuộc thôn Nà Boóc, xã Đồng Phúc (huyện Ba Bể).
Đất, đá thải đổ trộm đã vùi lấp 57 cây gỗ nhóm VI và nhóm VII với khối lượng hơn 3,1m3. Toàn bộ số cây này đã bị vùi lấp, dập nát, gãy đổ không còn khả năng phục hồi.
Ông Lê Quang Dũng thừa nhận đổ đất, đá thải hủy hoại lô rừng trên khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép, mục đích là đổ đất, đá thải trong quá trình thi công đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể.
Theo thông tin từ UBND xã Đồng Phúc, tại vị trí đổ trộm này, từ tháng 3/2023, xã đã lập biên bản lần đầu, yêu cầu nhà thầu thi công không đổ thải bừa bãi xuống đất rừng của hai hộ ông Hà Sỹ Lâm và Dương Văn Tuyên.
Tuy nhiên, đến nay đơn vị thi công vẫn tiếp tục vi phạm, xã đã lập biên bản vi phạm, trình hồ sơ lên huyện để xử lý vi phạm hành chính theo quy định.
Biên bản xác lập vi phạm đổ đất, đá thải vào rừng tự nhiên tại xã Đồng Phúc, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. |
Tìm hiểu của PV Khoa học & Đời sống được biết: Tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể kết nối sang Na Hang (Tuyên Quang) là công trình trọng điểm của tỉnh Bắc Kạn được khởi công từ tháng 4/2022, dự kiến hoàn thành vào năm 2024. Thế nhưng, ở dự án trọng điểm này tình trạng đổ thải trái quy định cũng đã diễn ra bất chấp những nhắc nhở của chủ đầu tư và chính quyền địa phương.
Cụ thể: Tại thôn Nà Bây, xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn, doanh nghiệp thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn- hồ Ba Bể đã đổ 3 bãi đất thải vào phía đồi bên trên, ước lượng lên tới hàng chục ngàn m3, trở thành những quả bom đất treo trên đầu những hộ dân sinh sống bên dưới.
Việc đổ thải trái phép đã diễn ra từ tháng 6/2022, chính quyền xã đã phối hợp với lực lượng kiểm lâm huyện Chợ Đồn nhiều lần lập biên bản, yêu cầu doanh nghiệp chấm dứt hành vi đổ thải trái phép.
Thực tế, theo báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án được duyệt gồm 10 bãi đổ thải. Tuy nhiên, 01 bãi đổ thải đã tiến hành đổ còn lại 9 bãi các đơn vị thi công trên tuyến chưa tiến hành đổ do địa hình không phù hợp, không có đường giao thông để thuận tiện cho các phương tiện vận chuyển. Một số vị trí bãi đổ thải có thể vận chuyển đến đổ được nhưng lại chưa thực hiện công tác thống kê, đền bù thu hồi đất theo quy định.
Quan sát thực địa cho thấy: Trên tuyến xuất hiện nhiều vị trí đổ thải không có trong quy hoạch, như: Tại vị trí thi công cây cầu bắc qua suối Khuổi Én thuộc xã Đôn Phong (huyện Bạch Thông), nhiều đất, sỏi tràn xuống suối, tác động đến dòng chảy. Cũng tại khu vực công trường này, diện tích cây rừng đã bị phát quang khá rộng. Đất, sỏi tràn xuống suối trong quá trình thi công dự án.
Nhìn từ trên cao, con đường này chạy song song với suối Khuổi Én, tại một số vị trí suối đã bị tác động bởi đất thải trong quá trình thi công. Không những thế, việc thi công dự án tại một số vị trí tác động đến những cánh rừng tự nhiên tại huyện Bạch Thông.
Tại gói thầu số 15: Đổ thải tại Thôm Luông, xã Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn. Tại gói thầu số 17: Có 8 vị trí đơn vị thi công thỏa thuận với người dân để đổ thải đất đá có xác nhận của chính quyền địa phương là xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn. Tương tự, tại gói thầu số 19 có 4 vị trí đơn vị thi công thỏa thuận với người dân để đổ thải đất đá có xác nhận của chính quyền địa phương là xã Đồng Phúc, huyện Ba Bể; Tại gói thầu số 20: có 2 vị trí đơn vị thi công thỏa thuận với người dân để đổ thải đất đá có xác nhận của chính quyền địa phương là xã Quảng Khê, huyện Ba Bể… Tuy nhiên, theo cơ quan chức năng, qua xem xét văn bản thỏa thuận và chấp thuận cải tạo đất của UBND các xã trên tuyến thì việc thỏa thuận vị trí đổ thải và việc xác nhận của chính quyền địa phương chưa đúng theo quy định tại Điều 9, Luật Đất đai năm 2013.
Trên tuyến xuất hiện nhiều vị trí đổ thải không có trong quy hoạch. |
Khảo sát thực tế cho thấy một số vị trí đổ thải có nguy cơ sạt lở, đá lăn xuống taluy gần khu vực đường tỉnh lộ 257B gây mất an toàn cho nhà ở, đường dân sinh phía dưới các bãi đổ thải an toàn trong lao động.
Mặt khác, một số vị trí đổ thải có nguy cơ ảnh hưởng hành lang sông, suối; đất, đá, bùn tràn sang phần đất của các hộ lân cận, ảnh hưởng tới việc trồng trọt, gây thiệt hại mùa màng.
Trước thực tế trên, ngày 14/3/2023 Công an tỉnh Bắc Kạn tiếp tục có văn bản gửi UBND tỉnh về việc chỉ đạo tăng cường công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn.
Ngày 24/3/2023 UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Văn bản số 1739/UBND- NNTNMT gửi các sở, ngành, địa phương, Ban Quản lý dự án theo chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm quản lý, tăng cường chỉ đạo các đơn vị, nhà thầu thi công… thực hiện việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn, xử lý chất thải, đổ thải đúng nơi quy định.
Mặc dù vậy, tình trạng nhà thầu thi công dự án xây dựng đường đổ thải đất bừa bãi, thậm chí vùi lấp luôn cả rừng tự nhiên tái sinh như chúng tôi đã đề cập ở trên vẫn diễn ra.
Mấy năm trước, Dự án Nâng cấp, mở rộng đường tỉnh ĐT254 cũng tại tỉnh Bắc Kạn đã “dậy sóng” bởi các vi phạm liên quan đến công tác quản lý, đặc biệt là đổ thải xây dựng không theo quy định. Vụ việc đã khiến nhiều cơ quan chức năng phải vào cuộc xử lý, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh- đơn vị chủ đầu tư- phải chịu án kỷ luật từ UBKT Tỉnh ủy.
Hậu quả là dù đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2020 nhưng Dự án ĐT254 gần nghìn tỷ này vẫn chưa thể quyết toán do liên quan đến vấn đề đổ thải bừa bãi, không xác định được khối lượng cũng như cự ly vận chuyển.
Những tưởng câu chuyện làm đường đổ thải bừa bãi tại địa phương này sẽ được rút kinh nghiệm sâu sắc nhưng tình trạng trên đã tiếp tục tái diễn, gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh thái và môi trường rất cần được xem xét, xử lý nghiêm.