Khám phá

Ba dinh trấn của Nguyễn Hoàng trên đất Quảng Trị

Ba dinh trấn của Nguyễn Hoàng trên đất Quảng Trị, từ Ái Tử (1558) đến Trà Bát (1570) rồi Dinh Cát (1600) cho đến cuối đời (1613) Nguyễn Hoàng vẫn xem lưu bồn sông Thạch Hãn như là một địa bàn chiến lược quan trọng.

Dinh Ái Tử là một trong ba dinh trấn của Nguyễn Hoàng trên đất Quảng Trị.

Dinh Ái Tử (1558 – 1570)

Năm 1558, Trịnh Kiểm dâng biểu cử Nguyễn Hoàng vào trấn thủ xứ Thuận Hóa. Trên đường vào trấn nhậm lãnh địa mới, Nguyễn Hoàng dừng chân trên vùng đất Quảng Trị để gây dựng cơ nghiệp.

Năm Mậu Ngọ (1558), khi đề xuất với vua Lê Anh Tông bổ nhiệm Nguyễn Hoàng làm trấn thủ xứ Thuận Hóa, Thái sư Trịnh Kiểm đã đưa ra nhận định “Xứ Thuận Hóa là một kho tinh binh trong thiên hạ, buổi đầu, quốc triều ta bắt đầu gây dựng cơ nghiệp, cũng đã dùng dân xứ ấy để dẹp giặc Ngô.

Xứ ấy, địa điểm hiểm trở, dân khí cương cường, lại có nhiều nguồn lợi trên rừng dưới biển, là vùng trọng yếu không thể nào hơn. Gần đây, quan quân kinh lược hàng mấy chục năm mới lấy được.

Vậy nên hết sức bảo vệ, để làm một bức bình phong vững chắc… Hạ thần thấy con trai thứ của Chiêu Huân Tĩnh công (Nguyễn Kim) là Nguyễn Hoàng là một người trầm tĩnh, cương nghị, lại có mưu lược, đối với quân sĩ có độ lượng khoan dung, giản dị.

Vậy xin bổ ông làm trấn thủ, để trị an nơi biên thùy và chống giặc ở miền Bắc kéo vào…”

Năm ấy, Nguyễn Hoàng 34 tuổi, đoàn người đi theo ông vào Nam trong dịp ấy khá đông, trong đó có nhiều người cùng quê hương Tống Sơn, gia đình binh sĩ ở Thanh, Nghệ Tĩnh một số quan chức phục vụ trong chính quyền Lê – Trịnh.

Trong đoàn người cùng đi vào có ông Nguyễn Ư Dĩ, là cậu ruột của Nguyễn Hoàng, từng nuôi dạy ông khôn lớn và là người có mưu lược giỏi.

Phần lớn những người đến Thuận Hóa lần này là thủy quân. Họ đi đường biển bằng chiến thuyền và vào đất liền bằng cửa Yên Việt (tức Cửa Việt hiện nay), rồi đóng quân trên bãi cát nổi, thuộc xã Ái Tử, huyện Vũ Xương.

Vùng đất khởi nghiệp

Làng Ái Tử ngày nay thuộc xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Làng này nằm ở bờ bắc sông Thạch Hãn, nối liền với Cửa Việt, thuận lợi cho việc phòng thủ theo quan điểm quân sự thời bấy giờ.

Sở dĩ Nguyễn Hoàng chọn nơi đây làm lỵ sở, không chỉ thuận lợi cho việc bố phòng mà điều quan trọng hơn đây là vùng đất mới, vùng đất chưa chịu ảnh hưởng sâu đậm của triều đại trước đó để dễ thực hiện sách lược vừa làm tốt chức trách của một vị quan trấn thủ mở mang vùng đất mới, vừa bắt tay xây dựng một căn cứ địa làm vùng đất khởi nghiệp.

Đồng thời có điều kiện thực hiện chính sách thu phục nhân tâm, dựa vào lòng dân ở vùng đất mới đang hướng vọng vào vị quan trấn thủ mới để xây dựng thực lực cho kế sách lâu dài.

Suốt hơn 10 năm từ 1558 – 1569, Nguyễn Hoàng vẫn đảm nhận vai trò một vị quan trấn thủ của nhà Lê – Trịnh, thực chất là dưới sự điều hành của Thái sư Trịnh Kiểm vừa thực hiện chiến thuật thu phục số quan lại có sẵn của nhà Lê – Trịnh vừa “Khuya sớm chăm lo, nghĩ việc củng cố căn bản”, “vỗ về quân dân, thu dùng hào kiệt, sưu thuế nhẹ nhàng, được dân mến phục”.

Có thể nói trong suốt thời kỳ đặt dinh trấn ở Ái Tử của Nguyễn Hoàng chưa phải là kế sách cát cứ mà ngược lại, vị quan trấn thủ xứ Thuận Hóa vẫn thể hiện là một trọng thần, hàng năm vẫn thực hiện nghĩa vụ thuế đầy đủ cho triều đình nhà Lê ở Thanh Hóa.

Trong 10 năm từ 1558 – 1569 Nguyễn Hoàng ở Quảng Trị đã trở ra Thanh Hóa yết kiến vua Lê và đến chào mừng Thượng tướng Thái Quốc công Trịnh Kiểm.

(còn nữa)

Chí Đức

BẢN DESKTOP