Công nghệ mới

Apple Vision Pro với Meta Quest 3: Chọn kính thực tế ảo nào?

  • Tác giả : Đinh Thanh
Apple Vision Pro là kính thực tế ảo có mức giá hơn một trăm triệu đồng ở hiện tại. Nhiều đánh giá có cánh đã dành cho sản phẩm này, xoay quanh ngoại hình cùng loạt tính năng đậm chất tương lai nhà Táo đem lại.

Vậy so với những mẫu kính khác trên thị trường như Meta Quest 3, liệu tân binh từ Apple có đủ sức đánh bật đối thủ?

Dù Meta Quest xuất hiện trên thị trường từ lâu, thậm chí đã ra đến phiên bản thứ 3 nhưng cú nổ thực sự về kích thực tế ảo lại đến từ Apple Vision Pro. Sản phẩm đến từ nhà “Táo” đang làm mưa làm gió thị trường, cú nổ này có thể làm người dùng quên đi sự hiện diện của Meta Quest thời gian ngắn. Hoặc, cũng có thể khiến Meta Quest được chú ý hơn.

Thiết kế

Apple Vision Pro được thiết kế với vẻ ngoài hiện đại, sử dụng mặt trước bằng kính và khung nhôm. Điều này khiến sản phẩm có hình dáng mỏng nhẹ và giảm trọng lượng chung. Khi sử dụng, người dùng sẽ cảm thấy thoải mái và dễ chịu.

Vision Pro không có bộ điều khiển riêng, sản phẩm sử dụng công nghệ nhận diện mắt và cử chỉ tay. Ngoài ra, Apple trang bị kính với bộ điều khiển không dây từ PS5, giúp người dùng trải nghiệm trò chơi mượt mà.

Trong khi đó, Meta Quest 3 được thiết kế với ba dây đeo để phân bổ trọng lượng một cách tốt nhất. Kính này sử dụng thấu kính pancake mỏng hơn so với Quest 2. Bộ điều khiển của Meta Quest 3 được đánh giá cao vì tính nhẹ nhàng và tiện lợi.

Đặc biệt, người dùng có thể kết hợp với các phụ kiện bên thứ ba để tạo ra cảm giác như đang cầm kiếm hoặc vợt trong quá trình chơi game. Những tính năng và thiết kế độc đáo này giúp Vision Pro và Meta Quest 3 trở thành lựa chọn hấp dẫn, tùy thuộc vào sở thích và nhu cầu của từng người dùng.

Trọng lượng

Meta Quest 3 có trọng lượng 459 gram trong khi đó Vision Pro có trọng lượng khoảng 600 gram . Đối với một số người dùng, con số này có thể là một rào cản trong trải nghiệm, vì khi đeo kính trên đầu trong thời gian dài (hơn 30 phút) sẽ cảm thấy khó chịu và không thoải mái.

Vì vậy, khi so sánh Apple Vision Pro với Meta Quest 3 về trọng lượng, cả 2 sản phẩm này vẫn ở mức trọng lượng không gọn nhẹ như mong đợi. Nhưng các thương hiệu đều cam kết, sản phẩm chắc chắn sẽ mang đến trải nghiệm giải trí thoải mái cho người dùng khi đeo.

Khả năng theo dõi mắt

Về phần cứng, Apple Vision Pro tỏ ra nổi bật hơn khi sở hữu tới 12 camera, cảm biến LIDAR, camera TrueDepth cùng đèn chiếu sáng hồng ngoại. Trong khi đó, với Meta Quest 3 số cảm biến sẽ là 6, bao gồm hai camera RGB hỗ trợ trải nghiệm thực tế hỗn hợp.

Ngoài khả năng đem đến trải nghiệm thực tế ảo (VR), cả hai mẫu kính đều có thể đem lại trải nghiệm thực tế tăng cường (AR). Trong khi Vision Pro đem tới điều này với khả năng theo dõi mắt và cử chỉ tay mượt mà thì với Meta Quest 3, khách hàng được một cặp điều khiển để hỗ trợ.

Với Vision Pro, viêc điều khiển tiện lợi hơn đáng kể vì đây là một mẫu kính thực tế ảo độc lập, không phụ thuộc vào phụ kiện đi kèm. Trong khi đó, dù cần đến bộ điều khiển, nhưng chính điều này khiến Meta Quest 3 hữu ích hơn ở một số tác vụ nhất định, có thể kể đến như chơi game.

Kho ứng dụng và trò chơi

Meta Quest 3 được cho là chiếm ưu thế vượt trội, do Quest là dòng sản phẩm được phát triển và thương mại từ rất lâu (2016, dưới tên Oculus Rift). Nhờ vậy, kho ứng dụng của công cụ này cũng sẽ đa dạng hơn, do được các nhà phát triển làm việc từ rất sớm. Ngoài ra, Apple Vision Pro cũng chưa chú trọng về game. Trong khi đó, kho ứng dụng của Quest 3 cũng có rất nhiều game để phục vụ nhu cầu giải trí.

Với Apple Vision Pro, kho ứng dụng của visionOS được cho là dùng chung với iPadOS và iOS. Nhờ vậy nên nhiều công cụ dùng được trên iPhone và iPad thì cũng sẽ dùng được trên Vision Pro. Hiện tại, 600 ứng dụng cho chiếc kính này đã được công bố, cộng thêm khi 250 game truy cập được từ Apple Arcade, về cơ bản là tương đối hứa hẹn.

Chất lượng hình ảnh

Apple Vision Pro sở hữu hai màn hình micro-OLED với độ phân giải khoảng 3.680 x 3.140 pixel, vượt trội so với những gì có trên Meta Quest 3 khi chiếc kính này chỉ có màn hình LCD kép có độ phân giải khoảng 2.064 x 2.208 pixel. Theo nhiều đánh giá, chất lượng hình ảnh mà Vision Pro đem tới vượt trội, đặc biệt về khả năng nhìn xuyên (Passthrough), khi hình ảnh bên ngoài hiện lên trong điều kiện đủ sáng là cực kỳ sắc nét.

Ngoài ra, những ứng dụng, cửa sổ hiện lên trên Vision Pro cũng sẽ có chất lượng tốt hơn, do màn hình của chiếc kính này có độ phân giải cao hơn hẳn. Nếu những trò chơi trên Apple Arcade hoạt động trên chiếc kính này, khả năng cao chúng ta cũng sẽ được thấy một nền đồ hoạ rực rỡ, sắc nét.

Trong khi đó, với Meta Quest 3 thì theo nhiều đánh giá, chất lượng hình ảnh khi chơi game vẫn sẽ hơi mờ và nhiễu.

Thời lượng pin

Theo Apple, Vision Pro sẽ trụ được khoảng 2 giờ sử dụng thông thường và 2,5 giờ xem video, con số này về cơ bản là tương đồng với Meta Quest 3. Tuy nhiên khác với Meta Quest 3, Vision Pro sẽ sử dụng pin rời, phải được kết nối và mang liên tục bên mình mới có thể sử dụng. Trong khi đó, Quest 3 chỉ cần được sạc trước bằng bộ sạc Type-C, đầy pin là có thể dùng thoải mái.

Giá bán

Meta Quest 3 với mức giá khởi điểm sẽ là 13,490 triệu đồng cho phiên bản 128GB bộ nhớ trong, Meta Quest 3 hợp lý hơn nhiều so với con số hơn 100 triệu đồng của Apple Vision Pro. Tuy nhiên cái tên nhà Táo gấp đôi về bộ nhớ trong là 256GB, ngang với MacBook Air, đảm bảo tốt nhất về khả năng lưu trữ dữ liệu nếu chúng ta muốn dùng thay laptop.

Sản phẩm phù hợp?

Bỏ qua chênh lệch về mức giá thì về công nghệ, Apple Vision Pro có thể xem là một siêu phẩm trong thế giới kính thực tế ảo, bỏ xa các sản phẩm còn lại như Microsoft Hololens hay chính Meta Quest 3. Nếu là người quan trọng trải nghiệm làm việc cũng như đang sử dụng các sản phẩm của Apple, muốn có được khả năng mở rộng không gian tối đa, đây chắc chắn sẽ là cái tên không thể phù hợp hơn.

Tuy nhiên, việc mới chỉ là thế hệ đầu tiên sẽ khiến Apple Vision Pro cần thời gian để được tối ưu. Nếu muốn một trải nghiệm cũng không hề tệ với chi phí tiết kiệm hơn, Meta Quest 3 là một lựa chọn tốt, trong khi chờ xem Apple Vision Pro thể hiện được gì thêm.

Đinh Thanh

BẢN DESKTOP