Dữ liệu y khoa

Áp xe quanh thận: Nhiều biến chứng, dễ tử vong

  • Tác giả : BS Nguyễn Thị Hằng (Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện E T.Ư)
Áp xe quanh thận có thể biến chứng nặng. Mức độ bệnh phụ thuộc vào mức độ viêm nhiễm và các bệnh lý đi kèm của người bệnh. Nếu chẩn đoán áp xe quanh thận bị trì hoãn có thể dẫn đến tăng tỷ lệ tử vong.

Đau thắt lưng kéo dài không ngờ mỡ hoại tử quanh thận

Nữ bệnh nhân N.P.T. (37 tuổi, Hà Nội) đau vùng thắt lưng trái kéo dài 20 - 30 ngày, mệt mỏi vừa phải (bệnh nhân vẫn hoạt động bình thường), không sốt. 2 ngày trước khi vào viện, bệnh nhân có sốt cao 39 độ C, hơi có cảm giác rét run.

Kết quả chụp X-quang, siêu âm và CT tiêm thuốc cản quang phát hiện khối áp xe quanh thận lớn đã lan rộng xuống tiểu khung và qua đường giữa, không có tổn thương thận kèm theo. Bệnh nhân cho biết không bị nhiễm trùng cơ quan nào trước đó, nhưng có tiền sử đái tháo đường 2 năm đang điều trị thuốc tiêm.

Bệnh nhân đã được điều trị bằng dẫn lưu ổ áp xe qua da và điều trị kháng sinh theo kháng sinh đồ. Sau 20 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã ổn định ra viện.

ap-xe-quanh-than-1.jpg
Áp xe quanh thận: Nhiều biến chứng, dễ tử vong

Áp xe quanh thận thường là một biến chứng của nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc nhiễm trùng theo đường máu. Hơn 75% trường hợp là do biến chứng của nhiễm trùng đường tiết niệu. Ngoài ra là do nhiễm trùng từ chấn thương hoặc các cơ quan khác trong cơ thể bao gồm gan, cổ tử cung, tuyến tụy, túi mật và ruột thừa hoặc do bệnh Crohn ruột non hoặc viêm tủy xương...

Áp xe quanh thận thường do trực khuẩn gram âm đường ruột hoặc do nhiễm trùng đa vi khuẩn. Các vi khuẩn thường gặp nhất là Escherichia coli, Staphylococcus aureus và Klebsiella pneumonia. Escherichia coli chiếm 51,4% các trường hợp áp xe quanh thận. Staphylococcus aureus thường là thứ phát sau nhiễm trùng do nhiễm trùng huyết.

Những áp xe này có thể lan rộng vào các cơ thắt lưng lớn và cơ ngang đáy chậu cũng như khoang phúc mạc và khung chậu...

Nhiều biến chứng và dễ tử vong

Biểu hiện lâm sàng của áp xe quanh thận thường không đặc hiệu. Bệnh nhân thường có biểu hiện sốt âm ỉ, ớn lạnh, đau hạ sườn, đau bụng và mệt mỏi, chán. Họ có thể bị những cơn đau ở vùng bẹn hoặc chân khi có sự lan rộng nhiễm trùng.

Bệnh nhân cũng có thể có biểu hiện đau hạ sườn phải nếu áp xe lan rộng đến gan hoặc đau ngực khi có sự lan rộng vào phổi và tràn mủ màng phổi kèm theo.

ap-xe-quanh-than.jpg
Hình ảnh ổ áp xe trên CT

Thời gian trung bình của các triệu chứng trước khi nhập viện là khoảng 12 ngày. Bệnh nhân cao tuổi, tiểu đường hoặc nghiện rượu mạn tính có các triệu chứng mờ nhạt hơn.

Các tình trạng dễ mắc áp xe quanh thận bao gồm đái tháo đường, mang thai, nhiễm trùng đường tiết niệu và các bất thường về cấu trúc đường tiết niệu: Sỏi san hô lớn, thần kinh bàng quang, trào ngược niệu quản, khối u tắc nghẽn, hoại tử nhú và bệnh thận đa nang...

Nếu chẩn đoán áp xe quanh thận bị trì hoãn có thể dẫn đến tăng tỷ lệ tử vong. Xét nghiệm máu, nước tiểu và siêu âm, chụp CT... có tác dụng chẩn đoán bệnh.

Áp xe quanh thận thường gây biến chứng: Nhiễm trùng huyết, viêm phổi, chảy máu, hình thành đường rò đến dạ dày, ruột non và phổi, áp xe dưới hoành, có thể vỡ vào phúc mạc, có thể thủng qua cơ hoành, tràn mủ màng phổi...

Xử trí áp xe quanh thận bao gồm điều trị kháng sinh với dẫn lưu qua da đồng thời nếu cần. Can thiệp phẫu thuật có thể được chỉ định trong trường hợp áp xe quanh thận không được điều trị thành công bằng liệu pháp kháng sinh và dẫn lưu catheter qua da.

Áp xe quanh thận có thể biến chứng nặng. Mức độ bệnh phụ thuộc vào mức độ viêm nhiễm và các bệnh lý đi kèm. Thời gian nằm viện trung bình là 15,3 ngày trong một nghiên cứu của Hàn Quốc trên 63 bệnh nhân bị áp xe thận và quanh thận. Các yếu tố tiên lượng xấu và thời gian nằm viện lâu hơn bao gồm tuổi cao, đái tháo đường, kích thước ổ áp xe, hôn mê và suy thận...

BS Nguyễn Thị Hằng (Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện E T.Ư)

BẢN DESKTOP