KINH TẾ

Áp sàn giá vé máy bay: Người dân và hãng bay tư chịu thiệt

  • Tác giả : Quốc Trọng
Việc áp dụng sàn giá vé máy bay là không hợp lý, vừa trái với quy luật cung cầu của thị trường, tạo nên sự không công bằng giữa các hãng và giảm khả năng tiếp cận vé ưu đãi của khách hàng.

Đề xuất “cứu các hãng hàng không”

Cục Hàng không Việt Nam vừa gửi công văn đề nghị nâng mức giá vé tối thiểu (giá sàn) bằng 20% giá trần hiện nay đối với các đường bay nội địa trong thời gian 12 tháng, từ tháng 11/2021 đến hết tháng 10/2022.

Cụ thể, với các đường bay dưới 500km, mức giá tối thiểu đề nghị áp dụng với nhóm đường bay phát triển kinh tế - xã hội là 320.000đ/vé/chiều, tối đa là 1,6 triệu đồng vé/chiều; nhóm đường bay khác dưới 500km, mức giá tối thiểu là 340.000đ, tối đa là 1,7 triệu đồng.

Với các đường bay từ 500 - 850km trở lên, mức giá tối thiểu là 440.000đ và tối đa 2,2 triệu đồng; đường bay từ 850km đến dưới 1.000km, mức giá tương ứng 560.000đ và 2,79 triệu đồng.

Riêng với đường bay từ 1.280km trở lên, mức giá tối thiểu 750.000đ, tối đa 3,75 triệu đồng.

Hiện nay, khung giá vé dịch vụ vận chuyển hàng không (giá vé máy bay) chỉ quy định giá tối đa (giá trần), không có giá tối thiểu (giá sàn), hoặc có thể hiểu là giá sàn bằng 0. Như vậy, nếu đề xuất này được thông qua, sẽ không còn giá vé máy bay 0 đồng.

Giải thích lý do trên, Cục Hàng không cho biết là để “hỗ trợ các hãng hàng không vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 gây ra”. Đặc biệt là “giảm nguy cơ dẫn đến phá sản của Vietnam Airlines, giảm thiểu thiệt hại cho Nhà nước (với tư cách là cổ đông nắm giữ trên 86% vốn điều lệ của Vietnam Airlines)”.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2021 của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (HVN) cho thấy, 6 tháng đầu năm, Vietnam Airlines lỗ 8.585 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số lỗ 5.262 tỷ đồng 6 tháng năm 2020. Như vậy, lỗ lũy kế của Vietnam Airlines đến thời điểm cuối tháng 6/2021 là 17.771 tỷ đồng.

Tổng cộng tài sản của Vietnam Airlines tính đến cuối tháng 6 là 61.255 tỷ đồng, giảm hơn 1.300 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Nợ phải trả 64.005,6 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ, dẫn đến âm vốn chủ sở hữu 2.750 tỷ đồng. Trong đó, vay nợ tài chính 34.462 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm ngoái.

Hiện Bộ GTVT chỉ quy định khung giá trần vé máy bay nội địa, song không quy định giá sàn. Đây là lý do các hãng hàng không giá rẻ như Vietjet Air thường đưa ra các chính sách giá khuyến mãi 0 đồng vào mùa thấp điểm để kích cầu.

Vietjet và Pacific Airlines cũng thường đưa ra các chương trình khuyến mãi giá vé 39.000đ hoặc 99.000đ/vé (chưa gồm thuế, phí). Đề xuất áp giá sàn nếu được thông qua sẽ chấm dứt cuộc đua giá rẻ, cũng như đặt dấu chấm hết cho khái niệm vé 0 đồng.

Trong trường hợp đó, nhiều người dân, nhất là các gia đình có thu nhập trung bình khá sẽ không còn được hưởng lợi từ cạnh tranh của thị trường.

Tác động của việc áp sàn giá vé máy bay cũng gây ra nhiều hệ lụy khi trong thời gian tới bối cảnh du lịch đang trông chờ phục hồi sau đại dịch, giá vé máy bay tăng sẽ kéo theo giá tour tăng, chi phí du lịch tăng, đi ngược với chủ trương kích cầu du lịch sau dịch.

Trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài khiến sức mua của người dân suy giảm, việc áp giá sàn vé máy bay có thể gián tiếp khiến người dân chọn phương tiện khác thay vì máy bay. Do đó sẽ không lấy gì đảm bảo việc áp giá sàn sẽ “hỗ trợ các hãng hàng không vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 gây ra” như Cục Hàng không nêu.

Dùng cơ chế ép doanh nghiệp tư nhân

Thực tế ở đây, đề xuất này của Cục Hàng không dựa trên đề nghị của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines. Cục Hàng không cho biết cũng đã lấy ý kiến về vấn đề này đối với các công ty hàng không khác như Công ty CP Hàng không Pacific Airlines, Công ty CP Hàng không Vietjet (Vietjet Air), Công ty CP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) và Công ty TNHH Hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines).

Tuy nhiên, trong các hãng trên, Vietravel Airlines chưa hoạt động, Vietjet Air đề xuất không áp dụng giá sàn, Bamboo Airways cho rằng nên bỏ quy định Nhà nước định giá trên các đường bay khai thác bởi 3 hãng trở lên. Chỉ có Vietnam Airlines và Pacific Airlines (công ty con của Vietnam Airlines ) đồng ý phương án trên.

Lưu ý, trên thị trường hiện nay, Vietjet Air và Bamboo Airways đang sử dụng chiêu “chuyến bay giá rẻ” để thu hút khách, cạnh tranh với doanh nghiệp nhà nước vốn có nhiều ưu đãi như Vietnam Airline.

Từ đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát tới nay, không chỉ Vietnam Airline, mà tất cả các hãng hàng không đều chịu chung ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh. Kết quả kinh doanh của Vietnam Airline ghi nhận thua lỗ, nhưng đó cũng là tình hình chung của Vietjet Air hay Bamboo Airway.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2021 của Vietjet Air cho biết doanh thu thuần đạt 7.590 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ. Số lỗ gộp là gần 2.300 tỷ đồng. Đồng thời hãng đang thiếu hụt khoảng 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bamboo Airway tuy chưa công bố thông tin tài chính nào trong năm 2021. Tuy nhiên trong năm 2020 hãng ghi nhận doanh thu 175 triệu USD, lợi nhuận thuần âm 156 triệu USD. Năm nay, hãng vừa xin được các giấy phép quan trọng để mở thêm đường bay thẳng đến Mỹ.

Đến nay, các hãng bay đều kiệt quệ vì dịch. Nhưng trong khi Vietjet Air hay Bamboo Airway chật vật xoay sở để duy trì hoạt động, thì Vietnam Airline được Quốc hội, Chính phủ đồng ý cấp thêm gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng, tiếp cận khoản vay 4.000 tỷ đồng với lãi suất 0% trong 3 năm.

Đến nay, khi thị trường bắt đầu có dấu hiệu hồi phục, Vietnam Airline lại tiếp tục được ưu ái thêm khi Cục Hàng không đề xuất áp giá sàn. Điều này nếu thành hiện thực, sẽ khiến các hãng như Vietjet Air hay Bamboo phải từ bỏ chiến lược cạnh tranh bằng giá vé.

Lưu ý rằng, trong nhiều năm qua, Vietjet Air (sau này là Bamboo Airway) có thể cạnh tranh được với Vietnam Airline là nhờ chính sách vé rẻ, thu hút những khách hàng có thu nhập trung bình khá.

Do đó, nếu đề xuất này được thông qua, nó sẽ triệt tiêu động lực cạnh tranh của các hãng bay.

Bên cạnh đó, việc “bảo hộ” Vietnam Airline, hay các doanh nghiệp nhà nước một cách thái quá, sẽ khiến doanh nghiệp dựa vào cơ chế để bù đắp cho hoạt động kinh doanh thua lỗ của mình, kéo sụt nội lực của doanh nghiệp.

Ngoài ra, dù chính sách giá sàn chỉ áp dụng trong một năm, nhưng không có điều gì đảm bảo rằng chính sách này sẽ không được xin kéo dài vì một lý do nào đó.

Quốc Trọng

BẢN DESKTOP