KINH TẾ

Áp lực lạm phát vẫn hiện hữu và có thể gia tăng

  • Tác giả : Minh Lâm
(khoahocdoisong.vn) - CPI bình quân trong 4 tháng đầu năm chỉ tăng 0,89% là điều kiện thuận lợi, tạo dư địa để có thể kiểm soát lạm phát cả năm 2021 theo mục tiêu đặt ra. Nhưng áp lực lạm phát vẫn hiện hữu và có thể tăng lên trong những tháng cuối năm. 

Theo Tổng cục Thống kê (TCTK), 4 tháng đầu năm nay, chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho sản xuất tăng 4,64% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chỉ số giá nguyên, nhiên, vật liệu dùng cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 6,77%; dùng cho sản xuất công nghiệp tăng 4,95%; dùng cho xây dựng tăng 1,95%.

Tình trạng giá tăng nhanh, thậm chí tăng “phi mã” cũng xảy ra với nhóm sản phẩm kim loại, đặc biệt là sắt, thép và nhóm sản phẩm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

Số liệu của TCTK cho thấy, chỉ số giá sản xuất nhóm sản phẩm kim loại tháng 4/2021 tăng 2,25% so với tháng trước và tăng 11,18% so với cùng kỳ năm 2020 (bình quân 4 tháng tăng 7,7%). Trong đó, chỉ số giá sản xuất nhóm sản phẩm sắt, thép ghi nhận mức tăng “phi mã” khi tháng 4/2021 tăng 4,23% so với tháng trước và tăng tới 27,68% so với cùng kỳ năm trước (bình quân 4 tháng đầu năm 2021 tăng 23,15%).

Giá nguyên liệu nhập khẩu đầu vào và chi phí logistics tăng chóng mặt cũng là yếu tố chính khiến các doanh nghiệp trong ngành thép, gỗ, dệt may, cao su, nhựa… đang đối mặt với thực tế giá vốn ngày càng leo thang. Đơn hàng dồi dào, doanh thu tốt lên nhưng lợi nhuận lại ngày càng mỏng đi, thậm chí không có lãi.

Các chi phí nguyên liệu đầu vào sản xuất, chi phí logistic và giá nhiên liệu vẫn trong xu thế tăng, trong khi sức cầu trong nước vẫn yếu sẽ làm gia tăng áp lực đối với lạm phát trong những tháng về cuối năm. 

Tuy nhiên, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng nền tảng vĩ mô ổn định, các cân đối lớn ở trạng thái tốt hơn, phối hợp chính sách và vòng quay tiền còn chậm… sẽ là những yếu tố giúp áp lực lạm phát không quá lớn.

Theo TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, lạm phát năm nay vẫn duy trì ở mức thấp. CPI cả năm 2021 sẽ chỉ tăng khoảng 2% so với năm ngoái. Mức tăng có thể sẽ cao hơn trong năm 2022 nhưng nhiều khả năng vẫn sẽ dưới mức 4%. Áp lực lạm phát chỉ cao hơn đáng kể từ 2023, thời điểm mà nền kinh tế có thể phục hồi hoàn toàn từ đại dịch Covid-19.

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV lại cho rằng, không nên quá chủ quan mà cần nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp chính sách tiền tệ và tài khóa thông qua việc gắn quan điểm điều hành, kiểm soát lạm phát với yêu cầu phục hồi, tăng trưởng kinh tế cả ngắn hạn và trung - dài hạn để ứng xử phù hợp.

Minh Lâm

BẢN DESKTOP