Khám phá

Ảo tưởng mua muối vừng tiền triệu

Muối vừng Nhật Bản có giá từ 2 đến 2,7 triệu đồng/kg là sản phẩm được nhiều chị em chọn mua. Theo các chuyên gia, sản phẩm vừng trong nước có giá trị dinh dưỡng không kém, thậm chí Nhật Bản còn nhập khẩu vừng của Việt Nam.

Vừng tiền triệu đắt hàng

Gần đây, ngoài loại muối vừng Việt Nam chủ yếu làm bằng 3 nguyên liệu gồm lạc, vừng, muối trắng, thì trên thị trường còn xuất hiện loại muối vừng của Nhật Bản với giá vô cùng đắt đỏ, được nhiều người chọn mua.

Chị Phan Thu Hương, nhân viên một cửa hàng bán đồ Nhật Bản đường Trần Duy Hưng (Hà Nội) cho biết, muối vừng Nhật Bản khá giống với muối vừng Việt Nam, tuy nhiên, người Nhật kết hợp nhiều loại thực phẩm, gia vị để có được món muối vừng bổ dưỡng, đầy đủ chất dinh dưỡng nhất. Muối vừng có nhiều vị như vị cá ngừ, vị bào ngư, vị cua, vị tôm, vị cá hồi… Giá cả sẽ tùy thuộc vào từng loại nguyên liệu. 1 lọ muối vừng 100gram mà giá đã lên tới 230.000 đồng. Tính ra 1kg giá khoảng 2,7 triệu đồng.

“Muối vừng có tác dụng tốt cho sức khỏe, từ lâu được sử dụng cùng với nhiều món ăn, trong đó ăn với cơm là món phổ biến. Thay vì mua muối vừng nhập khẩu thì tốt nhất là mua vừng trong nước, vừa rẻ, vừa bổ”, GS.TS Nguyễn Quang Thạch.

Chị Hương cho biết, muối vừng Nhật cách ăn giống muối vừng Việt, chỉ cần rắc vào cơm trắng trộn đều lên là ăn được, hoặc không thích có thể để riêng chấm. Loại muối vừng này có rất nhiều vị khác nhau như muối vừng vị cầu gai, muối vừng vị cá ngừ, muối vừng vị bào ngư…

Có những khách hàng mỗi ngày ăn hết 1 lọ 100gram, cả gia đình thích ăn vì loại muối vừng này có vị béo, ngậy, và chất lượng thì được tin tưởng, đảm bảo vì đó là hàng nhập khẩu từ Nhật Bản.

Chia sẻ về loại muối vừng này, GS.TS Nguyễn Quang Thạch, nguyên Viện trưởng Viện Sinh học Nông nghiệp cho biết, trước đây Nhật Bản vẫn phải nhập khẩu vừng đen của Việt Nam. Khi đó, một số tỉnh miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh có sản xuất vừng đen để xuất khẩu.

Hiện nay còn nhập khẩu nữa hay không thì ông không rõ. Dù Nhật Bản có tự trồng hay nhập khẩu từ các nước khác nhau thì có một điều cùng là hạt vừng, sẽ không có sự khác nhau quá nhiều về thành phần dinh dưỡng như chất béo, các loại dầu, đạm…

“Kể cả là trồng theo quy trình đảm bảo an toàn, sạch, chế biến, sơ chế tuân thủ các quy định nghiêm ngặt… thì sản phẩm vừng về cơ bản cũng chỉ có thành phần như vậy. Đừng nên huyễn hoặc quá mức sản phẩm nhập khẩu, cho rằng nó là thứ gì đó thần kỳ để bỏ tiền triệu ra mua.

Tất nhiên tôi không nói để nhà sản xuất không bán được hàng mà tôi chỉ đặt ra vấn đề như vậy. Người Việt có tâm lý sính ngoại, thấy đồ nhập khẩu thì nghĩ là tốt hơn đồ trong nước. Thực tế có những sản phẩm nông nghiệp, trong nước sản xuất có chất lượng còn cao hơn đồ nhập khẩu”, GS.TS Nguyễn Quang Thạch cho biết.

Vừng trong nước ngon, bổ, rẻ

GS.TS Nguyễn Quang Thạch cho biết, vừng là một loại hàng nông sản, tuy dân dã, nhưng lại rất bổ dưỡng. 1kg vừng trong nước chỉ có giá vài chục ngàn đồng, chênh lệch gấp vài chục lần so với vừng Nhật Bản.

Tuy vậy thành phần thì không chênh lệch là bao nhiêu. Vừng đen trong nước rất quý, nhiều tác dụng như nhuận tràng, tỉ lệ dầu cũng cao. Kể cả tỉ lệ dầu có kém hơn thì cũng chỉ một chút thôi, như là 35% dầu so với 38% dầu thôi.

Vừng đen trong nước có hàm lượng dinh dưỡng cao. Nếu được trồng sạch, chế biến an toàn thì sản phẩm cũng có giá trị cao chứ không như nhiều người nghĩ chỉ sản phẩm nhập khẩu mới tốt.

“Nếu là tôi thì chắc có lẽ tôi không bỏ ra số tiền lớn như vậy để mua vừng nhập khẩu. Muối vừng Nhật Bản thì chắc có lẽ cũng được chế biến từ loại vừng này thôi chứ không có loại sản phẩm thần kỳ nào khác được.

Giá thành của nó cao thì có thể là do được trộn với các loại gia vị khác, và đắt là ở chỗ được trộn với các gia vị ấy. Thế thì nếu có nhu cầu, sao không mua tôm, cua, cá, cá ngừ, bào ngư… để ăn, cần gì phải mua muối vừng trộn lẫn với giá cao như vậy”, GS.TS Nguyễn Quang Thạch đặt câu hỏi.

Bảo Khánh

BẢN DESKTOP