NHÌN THẲNG

Áo phao trang bị trên phà chỉ… làm cảnh?

  • Tác giả : Bài&ảnh: Nguyễn Gia Long
Việc các bến phà, đò “chủ quan” khi có trang bị áo phao nhưng không quán triệt bắt hành khách phải mặc khi qua sông như vậy sẽ rất nguy hiểm.

Từ nhiều năm nay, mỗi khi có dịp về các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, khi muốn qua sông, tôi thường chọn cách đi tắt bằng phà cho tiện và nhanh. Bởi hiện tại trên các dòng sông lớn như: Sông Tiền, Sông Hậu, Sông Cổ Chiên, Sông Bai Lai, Sông Hàm Luông, Sông Vàm Nao…, vẫn có rất nhiều các bến phà, đò còn hoạt động đưa rước khách hàng ngày.

Tại các bến phà, có một thực trạng chung là tất cả hành khách khi đi phà, đò qua sông đều không mặc áo phao. Chủ phà cũng không nhắc nhở, hướng dẫn bắt buộc hành khách phải mặc áo phao. Đồng thời cũng không có các thông tin, thông báo về chuyện nếu lỡ xảy ra sự cố, hành khách phải làm gì để xử lý tình huống khẩn cấp.

Khác với trước kia, những năm gần đây hầu hết các bến phà, đò ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long đều đã có trang bị áo phao đầy đủ được treo xung quanh trên mỗi chuyến phà nhưng không hề thấy có ai mặc. Mang “thắc mắc” với hành khách trẻ đứng bên cạnh mình về việc không mặc áo phao, người khách trẻ cười bảo: “Sang sông có ai mặc áo phao đâu, mà nhân viên họ cũng đâu có nhắc nhở, bắt mọi người phải mặc… Chẳng qua áo phao chỉ để đó phòng khi lỡ có sự cố bất trắc xảy ra thôi…”.

Dù trên địa bàn các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long chưa từng xảy ra các vụ đắm phà gây hậu quả nghiêm trọng nhưng việc các bến phà, đò “chủ quan” không quán triệt bắt hành khách phải mặc áo phao khi đi phà qua sông như vậy sẽ là rất nguy hiểm. Bởi như chúng ta biết các con sông tại Đồng bằng Sông Cửu Long thường rất rộng và sâu, vì vậy một khi sự cố xảy ra thì hậu quả sẽ là rất khó lường.

Được biết, Điều 27, Nghị định 132/2015/ NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa, thì nếu đi qua đò, qua phà mà không mặc áo phao, không mặc áo phao cứu sinh hoặc không mang dụng cụ nổi cứu sinh khi tham gia giao thông trên phương tiện vận tải hành khách sang sông là vi phạm pháp luật.

Quy định rõ ràng là vậy, nhưng trong trường hợp hành khách trên phà qua sông mà không được trang bị phao và áo phao cứu sinh thì phần lỗi ở đây không phải của khách, mà trách nhiệm chắc chắn thuộc về những nhà vận chuyển. Việc vận chuyển hành khách trên sông nước không thể lơ là chủ quan được, bởi trong quá khứ tại một số tỉnh thành ở nước ta đã từng xảy ra rất nhiều các vụ tai nạn đường thủy nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và của.

Từ thực trạng trên, chính quyền các địa phương tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, cũng như tất cả các tỉnh thành khác trên cả nước ta nói chung cần phải phối hợp với cơ quan chức năng thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc trang bị áo phao và phao cứu sinh cho khách tại các cơ sở kinh doanh vận chuyển hành khách bằng đường thuỷ. Nếu phát hiện cơ sở nào lơ là không trang bị áo phao và phao cứu sinh cho khách đi phà, thuyền, ca nô…; hoặc có trang bị áo phao, phao cứu sinh nhưng không quán triệt bắt hành khách phải mặc áo phao khi di chuyển trên sông nước thì phải xử lý nghiêm, phạt nặng…

(TP HCM, gialong*****@gmail.com)

Bài&ảnh: Nguyễn Gia Long

BẢN DESKTOP