Thời sự

Ăn xôi tím bị ngộ độc tan máu và suy đa tạng

  • Tác giả : BS Nguyễn Thành Đô
4 người trong 1 gia đình ăn xôi màu tím lấy màu từ cây cỏ đã bị ngộ độc tan máu, 1 trường hợp suy đa tạng, suy hô hấp. Vì vậy, người dân cần chú ý khi dùng cây, cỏ làm hóa phụ gia thực phẩm.

Vừa qua, khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn đã tiếp nhận 3 trường hợp có biểu hiện tan máu do ngộ độc thức ăn không rõ nguồn gốc (2 trường hợp ăn xôi màu tím, 1 trường hợp ăn nấm).

Trong số đó, có 4 trường hợp trong cùng một gia đình sau ăn xôi lấy màu từ cây, cỏ không rõ nguồn gốc, 2 bệnh nhân biểu hiện nặng được nhập viện điều trị, 2 bệnh nhân ăn số lượng ít, triệu chứng nhẹ được theo dõi tại nhà.

Biểu hiện chung của cả 3 người bệnh nhập viện đều xuất hiện vàng mắt, vàng da toàn thân, nước tiểu đỏ sẫm, đặc biệt có 1 trường hợp bệnh nhân nam, trẻ tuổi, có biểu suy đa tạng, tình trạng suy hô hấp nhanh, phân áp oxy trong máu ngoại giảm nặng, được chẩn đoán tan máu do ngộ độc thức ăn – methemoglobin.

Ăn xôi tím bị ngộ độc tan máu và suy đa tạng ảnh 1

Ăn xôi tím bị ngộ độc tan máu và suy đa tạng

Các bệnh nhân nhanh chóng được xử trí đảm bảo tuần hoàn, hô hấp, truyền máu, dùng thuốc đối kháng.Hiện tại, sức khỏe của 3 bệnh nhân ổn định, các chỉ số xét nghiệm trở lại bình thường và đã được xuất viện.

Lạng Sơn với đặc điểm là tỉnh miền núi phía bắc, thảm thực vật dồi dào, nhiều loại cây, cỏ đa dạng về hình thái, tính chất, trong đó có nhiều loại thực vật mang độc tính.

Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo người dân không nên dùng các loại cây, cỏ không rõ nguồn gốc hay các hóa phụ gia thực phẩm là các hóa chất nhân tạo, chỉ nên dùng các chất liệu tự nhiên từ các loại thực vật đã biết rõ là an toàn như gấc, cà chua, nghệ để chế biến thực phẩm.

Sức khỏe của các bệnh nhân đều ổn định và đã được xuất viện

Sức khỏe của các bệnh nhân đều ổn định và đã được xuất viện

Để phòng ngừa ngộ độc thức ăn và các bệnh liên quan đến thực phẩm, người dân tuyệt đối không ăn những thức ăn không rõ nguồn gốc, đặc biệt không ăn những thức ăn có phẩm màu lòe loẹt, bắt mắt.

Nên sử dụng thực phẩm còn tươi mới, không sử dụng đồ đông lạnh quá lâu. Bảo quản thực phẩm đúng cách, tránh để chung thực phẩm sống và thực phẩm chín cùng nơi, tránh để thức ăn bị hỏng, ôi thiu.

Khâu chế biến thực phẩm đặc biệt quan trọng, đảm bảo chế biến đồ ăn kỹ, ăn chín uống sôi. Bên cạnh đó, đảm bảo vệ sinh sạch sẽ nhà bếp và các dụng cụ nấu ăn.

BS Nguyễn Thành Đô (Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn)

BS Nguyễn Thành Đô

BẢN DESKTOP