Chữa bệnh không dùng thuốc

Ăn uống phòng bệnh theo ngũ hành

Sách cổ có câu: “Trời nuôi người bằng ngũ khí, đất nuôi người bằng ngũ vị”,

Thực phẩm có màu xanh

– Rau quả xanh: mỗi ngày ăn 200-300 gam rau quả giúp giảm hơn 30% nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ so với những người ăn ít hoặc không ăn. Nên chọn các loại rau màu xanh đậm, nhiều lá như rau muống, rau diếp, rau dền, cải bó xôi, bông cải xanh, cải xoăn và các loại quả màu xanh thuộc họ cam quýt như cam, chanh, bưởi, ổi… Chế độ ăn này hạn chế bệnh ung thư, nhất là ung thư ruột kết, thực quản, phổi, trực tràng, thanh quản, buồng trứng và thận. Các chất xơ còn giúp kích thích nhu động ruột góp phần làm giảm chứng táo bón.

– Trà xanh: chứa nhiều gốc tự do, vitamin E có tác dụng chống oxy hóa, hạn chế lão hóa, càng uống con người càng tươi trẻ. Uống trà xanh giúp kéo dài tuổi thọ, giảm bệnh ung bướu (polyphenol trong trà xanh còn có tác dụng ngừa ung thư vú), chống xơ cứng động mạch, hạ huyết áp, chống viêm khớp, hạ đường huyết.

Thực phẩm có màu đỏ

– Cà chua: nam giới nên ăn mỗi ngày một quả cà chua, giảm 45% khả năng mắc ung thư tiền liệt tuyến. Trong cà chua có một lượng licopene rất cao, đây là một chất trong thiên nhiên có tác dụng chống oxy hóa tế bào rất mạnh. Đặc biệt sau khi được nấu chín trong ít dầu thực vật, licopene được phóng thích rất nhiều, nhờ đó cà chua có tác dụng ngăn ngừa ung thư tiền liệt tuyến.

– Dưa hấu đỏ là một nguồn vitamin C và A, chứa rất nhiều beta-carotene và licopene. Đây là những chất có tác dụng trung hòa các gốc tự do gây tổn thương cho cơ thể, trong đó có tế bào gây ung thư.

– Vang đỏ (được, chiết xuất từ các loài nho đỏ), mỗi ngày uống 20-30ml, hoạt chất resveratrol trong nho đỏ có tác dụng phòng chống bệnh xơ cứng động mạch, tuy nhiên người có bệnh tim mạch, cao huyết áp cần kiêng thức uống có cồn. Với đặc tính khử độc, resveratrol có khả năng bảo vệ tim mạch, chống ung thư, bảo vệ chức năng gan.

– Dâu tây đỏ, sơri cũng là một nguồn vitamin C và các chất có tác dụng chống oxy hóa, giúp ngăn ngừa ung thư và làm chậm sự lão hóa tế bào. Ớt đỏ cũng có tác dụng giúp cải thiện tâm trí, chống trầm cảm, lo âu, mệt mỏi. Ngoài ra rau củ có màu đỏ sậm (củ dền, rau dền tía) còn cung cấp nhiều chất sắt giúp gia tăng sự sản sinh hồng cầu, chống thiếu máu, suy nhược cơ thể.

Thực phẩm có màu vàng

Giúp bổ sung vitamin A, C, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, nhất là ở trẻ em mới lớn, giúp sáng mắt, bảo vệ võng mạc mắt. Trẻ thiếu vitamin A dễ bị cảm, sốt, viêm amiđan, cận thị, loạn thị; người trung niên dễ mắc bệnh ung thư, xơ cứng động mạch; người già thì hoa mắt, thị lực kém. Thức ăn giàu vitamin A và C như đu đủ, cà rốt, dưa hấu vàng, gấc, khoai lang, bí ngô, bắp già, bông bí, cam, quýt, hồng… Mỗi ngày thay đổi một trong các thực phẩm này với liều lượng 50-100 gam dạng tươi hoặc nấu chín.

Thực phẩm có màu trắng

– Bột lúa mạch: một trong những loại thực phẩm được xếp vào nhóm màu trắng quan trọng nhất là bột lúa mạch. Nó làm giảm cholesterol trong máu, giảm triglyceride, giúp người béo giảm cân, người tiểu đường ổn định đường huyết. Mỗi buổi 50 gam bột lúa mạch, hãm trong nước sôi chừng 5 phút rồi ăn hoặc nấu cháo. Ăn mỗi ngày còn giúp thông đại tràng, điều trị táo bón, rất tốt cho người lớn tuổi. Sử dụng các loại ngũ cốc được chế biến sẵn phối hợp với bột lúa mạch cũng có tác dụng tốt như trên.

– Các loại nấm có màu trắng như nấm bào ngư, nấm kim châm chứa nhiều vitamin, khoáng tố và các hoạt chất có tác dụng tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, ngăn ngừa quá trình hình thành và phát triển các tế bào ung thư. Nấm kim châm còn giúp tăng cường trí nhớ, hạ cholesterol trong máu, phòng chống viêm loét dạ dày và các bệnh gan mật. Phụ nữ ăn nhiều sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư vú, giúp khí huyết lưu thông, kinh nguyệt điều hòa, tăng cường thải độc.

Thực phẩm có màu đen

– Nấm mèo đen: có tác dụng làm giảm độ kết dính của máu (ngưng tập tiểu cầu). Người béo phì nên ăn nhiều nấm mèo đen để giảm độ đông đặc của máu, giúp nồng độ máu loãng hơn, phòng tránh trường hợp đông máu do nghẽn mạch dễ dẫn đến tai biến mạch máu não. Nấm mèo đen còn có tác dụng chống lão hóa, chống ung thư và do nhiễm chất phóng xạ (quá trình xạ trị). Mỗi ngày 5-10 gam là đủ, chế biến nhiều cách để ăn.

– Đậu đen: hoạt chất antocyanidin trong đậu đen cũng có tác dụng chống oxy hóa tế bào, giúp trẻ lâu, làm đen râu tóc và là một loại thuốc bổ thận. Đậu đen còn được dùng chế biến vị hà thủ ô trong y học cổ truyền để làm tăng tác dụng tráng dương bổ thận, khí huyết lưu thông, kích thích tiêu hóa và làm thuốc bổ huyết. Mỗi ngày 20-50 gam nấu chín lấy nước uống.

Lưu ý: nên tránh tình trạng dùng thái quá một món ăn nào đó vì có thể hại sức khỏe. Ví dụ: ăn quá nhiều vị chua hại can (gan), quá mặn hại thận, hoặc khi đang có bệnh về tỳ (dạ dày) nên tránh dùng thức ăn đồ uống chua để tránh tổn hại thêm cho bao tử.

BS Nguyễn Lệ Quyên

(Khoa Đông y, Bệnh viện Đa khoa Hà Giang)

BẢN DESKTOP