Dữ liệu y khoa

Ăn uống giúp giải nhiệt

Nam bộ đang nắng nóng, các tỉnh phía Bắc cũng sắp bước sang hè. Ăn gì để đủ chất, giải nhiệt, cơ thể không thấy mệt, khát khi giao mùa? Dưới đây xin giới thiệu một số thực phẩm và liều lượng sử dụng phù hợp cho mùa hè sắp tới.

Thịt : Chứa nhiều axit amin (aminoacid) quý thiết yếu và không thiết yếu với một tỷ lệ khá cân đối. Đặc biệt trong thịt bò, dê có chứa nhiều chất sắt cần thiết cho cấu tạo hồng cầu và các mô khác trong cơ thể.

Nên ăn thịt ở mức vừa phải, trung bình khoảng 1,5 kg/người/tháng. Nên ăn các loại thịt trắng như thịt gà, thịt vịt mà không nên ăn các loại thịt đỏ như thịt heo, thịt bò, thịt dê, thịt cừu, thịt chó. Nghiên cứu năm 2017 của Hội Thận học Hoa kỳ cho biết, ăn thịt đỏ sẽ làm gia tăng bệnh thận giai đoạn cuối và suy thận lên rất nhiều lần.

: Cá có nguồn đạm (protid) rất quý với đầy đủ các axit amin cần thiết (isoleucine, leucine, lysine, methionine, phenylalanine, threonine, tryptophan, valine, histidine) trong đó hàm lượng tyrosine, lysine, cysteine, tryptophan, methionin cao hơn cả thịt. Chất đạm của cá tươi dễ tiêu hoá, dễ hấp thu hơn so với thịt. Nguồn chất béo trong cá bao gồm lipid và lipoid.

Thành phần lipid của cá chủ yếu là các axit béo không no (hay còn gọi là không bão hoà). Bên cạnh các axit béo không no, các lipoid của cá còn có nhiều chất sinh học quan trọng như serebrorid, sterid, phosphatid…Phosphatid có ở khắp các tế bào trong cơ thể, tập trung chủ yếu ở bề mặt nguyên sinh chất của tế bào, tham gia vào quá trình chuyển hoá của tế bào.

Phosphatid còn tham gia tích cực vào quá trình chuyển hoá mỡ, điều hoà chuyển hoá cholesterol, ngăn ngừa tích luỹ cholesterol trong cơ thể, thúc đẩy quá trình bài xuất cholesterol ra khỏi cơ thể. Trong các loại cá, đặc biệt ở đầu cá, có chứa nhiều axit béo chưa no omega-3 có hoạt tính sinh học cao.

Axit béo omega-3 hạ thấp cholesterol máu, triglyceride máu, ngăn ngừa xơ vữa động mạch và huyết áp cao, giảm nguy cơ lão hòa não, tăng cường hoạt động của trí nhớ. Hầu hết các loại cá có chứa axit béo omega-3, nhiều nhất là cá hồi, cá thu, cá trích.

Gạo : Đây là nhóm thức ăn cơ bản cung cấp chất bột đường, ăn nhiều có thể nóng. Nên cung cấp từ 200- 400g/ngày/ người lớn.

 Sữa các loại: Sữa mẹ là thức ăn quý nhất cho trẻ < 24 tháng tuổi. Trong sữa có chứa nhiều calcium rất cần thiết cho người có tuổi để đề phòng chứng loãng xương. Đặc biệt trong sữa đậu nành có chứa isoflavon ( estrogen thực vật) giúp giảm các triệu chứng của phụ nữ tiền mãn kinh (40-50 tuổi), mãn kinh như bốc hoả, chóng mặt, bứt rứt khó chịu, nóng nảy, khô teo âm đạo, giao hợp đau…Mùa hè người có tuổi nên tăng cường uống sữa đậu nành giảm khô khát.

Rau quả các loại : Mùa hè nóng nên tăng lượng rau xanh trong bữa ăn. Nhu cầu 300- 400g xanh/ngày.  Rau xanh cung cấp nhiều vitamin C ( tăng cường sức đề kháng cơ thể, chống lão hoá, trợ tiêu hoá…), chất xơ ( đặc biệt là pectin, một polysaccharid có tính hoà tan, tăng độ nhớt và khối lượng phân có tác dụng phòng táo bón, giảm hấp thu cholesterol và glucose từ ruột, do đó phòng ngừa bệnh tim mạch, béo phì,  gan nhiễm mỡ và đái tháo đường). Ngoài ra rau muống và  rau dền đỏ cung cấp nhiều chất sắt, phòng ngừa và hỗ trợ điều trị thiếu máu.

BS. Ngô Văn Tuấn (Phòng khám đa khoa Lý Nam Đế, Huế)

BẢN DESKTOP