Trứng và sữa là hai món ăn bổ dưỡng nhưng nhiều người ăn chay băn khoăn, không biết đây có phải món “chay” không.
Khi bàn về vấn đề ăn chay theo nhà Phật, bác Nguyễn Thị Phượng (Minh Khai, Từ Liêm, Hà Nội) bày tỏ sự băn khoăn, các loại trứng cũng là do máu xương của các loại gia cầm mới tạo nên nếu ăn thì cũng vướng vào tội sát sinh, 1 trong 5 trọng tội của Phật Giáo.
Đã ăn chay dù mình nói là trứng không trống có thể ăn nhưng ai biết được quả trứng đó có trống hay không, nếu như trứng đó được đặt vào ổ cho một con gia cầm mái ấp nở thành con con thì sao. Chính vì thế thà rằng không ăn, để tránh tổn phước còn hơn.
Trứng do các con gia cầm đẻ ra, có được ấp để nở thành con con hay không đều không thể thay đổi sự thật nó là trứng. Cũng là một mầm sống trong tương lai.
Cùng với đó, anh Nguyễn Trí Thành (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng cho rằng, uống sữa thì không sao nhưng khi thực hiện thao tác vắt sữa sẽ làm đau bò hoặc dê cái như vậy là trái với giáo lý của đạo Phật.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên, Đại đức Thích Minh Tiến, Uỷ viên Thư ký Hội đồng trị sự T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội cho rằng, giáo lý nhà Phật luôn mong cầu một sự hướng, khuyến giáo con người khởi lòng từ bi, thương tưởng tới muôn loài và mọi chúng sinh đều có Phật tính, có sự sống nên từ cỏ cây hoa lá đến các vật hữu tình đều có sự sống riêng.
Đối với việc ăn uống của các nhà tu hành, theo Đại đức Thích Minh Tiến “Ngay từ thời đức Phật còn tại thế, việc ăn uống được xác định là tuỳ thí đắc thụ.
Tức là những đệ tử của đức Phật đi khắp nơi nhằm khuyến giáo con người làm việc thiện, tránh việc ác, một ngày hai thời sáng và trưa, khi đi đến đâu, bà con Phật tử, tín đồ hay người mến mộ hảo tâm dâng cúng gì thì trân trọng và dùng cái đó, không có sự đòi hỏi, phân biệt”.
Cũng theo Đại đức Thích Minh Tiến: “Từ thời đức Phật tại thế, các đệ tử đi hoá độ chúng sinh còn dùng tam tịnh nhục, tức là 3 thứ thịt gọi là thanh tịnh. Nghĩa là mình không đòi hỏi người ta hiến cúng mình ăn thứ nọ, thứ kia.
Thứ hai là mình không xui khiến người ta phải cho mình thứ này, thứ khác và thứ ba là mình cũng không hoan hỉ người ta làm những việc đó. Nói cách khác là không nghe, không nhìn, không chứng kiến, không khởi tâm độc ác, không khởi lên cái làm cho đạo, nghiệp thay đổi…”.
Đại đức Thích Minh Tiến cho biết thêm, đến nay, các đệ tử của đức Phật theo truyền thống Nam truyền (dòng Tiểu thừa) hay nguyên thuỷ ở một số nước như Lào, Thái Lan, Campuchia và miền Nam nước ta… vẫn duy trì theo cách như vậy.
Với các đệ tử của đức Phật theo truyền thống Bắc truyền (dòng Đại thừa) cũng luôn thực hiện theo tinh thần của đức Phật đã chỉ dạy. Người tu hành nên ăn làm sao cho bảo đảm chính pháp như Phật dạy và không nên say vào lương thực, thực phẩm mình ưa thích.
Đối với trứng hay sữa cũng như những gì đã nói ở trên. Việc ăn hay không thì không ai phản bác nhưng điều quan trọng nhất là ăn ở đâu, ăn như thế nào cho đúng chính pháp và không ảnh hưởng đến đạo nghiệp về sau thì cần phải quan tâm”, Đại đức Thích Minh Tiến nhấn mạnh.
Cùng với đó, theo Đại đức Thích Minh Tiến, cuộc sống riêng tư của các nhà tu hành cũng như những người dân bình thường bởi lẽ : “Phật pháp bất ly thế gian pháp, công việc của các thầy cũng không khác chúng sinh nhưng có khác ở đây là, các thầy làm, ăn ở việc đạo.
Những người xuất gia là thầy của rất nhiều các đệ tử nên trong cách sống, cư xử phải luôn giữ được sự mô phạm, để từ đó mới có thể giáo hoá được chúng sinh”.
Mai Nguyễn
(tổng hợp)